Ảnh: taxihochiminhcity.com
Vinasun thoát lầy?
Sau thời gian dài lao đao vì bị cạnh tranh quyết liệt bởi các hãng taxi công nghệ, kinh doanh của Vinasun (VNS) đã khởi sắc trở lại. Trong quý I/2019, doanh thu VNS đã tăng hơn 9%, đạt 534 tỉ đồng; còn lợi nhuận sau thuế đạt 32 tỉ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Đây là quý thứ 3 liên tiếp VNS có lãi ròng hơn 30 tỉ đồng.
VNS kinh doanh khả quan trong bối cảnh Grab vẫn thống lĩnh thị trường xe công nghệ. Kể từ sau khi Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á, vị thế của Grab trên thị trường gọi xe 4 bánh Việt Nam vẫn “một mình một chợ”, dù lĩnh vực này đã có thêm những tên tuổi mới nhảy vào như Go-Viet, Tada, Be, ABer, VATO, FastGo, TNet... Mới đây, Mobile Caro cũng đã gia nhập thị trường.
Thực tế, Go-Viet, dưới sự hậu thuẫn của Go-Jek (Indonesia), vẫn chưa triển khai Go-Car như dự tính trước đó. Với Be Group dù là hãng nội và mới ra mắt cuối năm ngoái nhưng đã kịp triển khai BeCar bên cạnh BeBike. Đối với Tada của MVL, hãng xe đến từ Singapore có mặt ở Việt Nam từ ngày 21.1.2019, thì gây chú ý khi sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ các hồ sơ. Tada cũng là hãng đầu tiên trên thế giới không thu phí hoa hồng tài xế trọn đời. Tada cũng chưa có ý định tham gia mảng gọi xe 2 bánh. Riêng Mobile Caro tạo khác biệt khi dự tính sẽ mở thêm dịch vụ gọi xe tải, xe container... Hãng này chủ trương không khuyến mãi, không tăng giá giờ cao điểm và thu hút khách bằng giá rẻ hơn. Mobile Caro cũng sẽ tìm tài xế qua hình thức trả hoa hồng cho người chia sẻ và giới thiệu tài xế. Tài xế không cần phải trả chiết khấu mà sẽ đóng khoản phí cố định.
Trước sự đổ bộ của những hãng xe công nghệ, các công ty taxi truyền thống đã hợp lại nhằm tạo sức mạnh đương đầu. Tháng 10 năm ngoái, 3 hãng taxi ở Hà Nội là Thành Công, Ba Sao và Sao Hà Nội đã bắt tay thành lập liên minh G7. Đối với liên minh Taxi Việt, ra đời tháng 12.2018 thì quy mô còn lớn hơn khi quy tụ 17 hãng xe, với gần 12.000 đầu xe khắp cả nước.
Về phía VNS chọn cách đối đầu với Grab bằng việc theo đuổi cuộc chiến pháp lý. Sau gần 18 tháng kiên trì kiện tụng, với quan điểm Grab tuy là công ty công nghệ nhưng hoạt động như hãng vận tải và đã kinh doanh không đúng quy định pháp luật, ngày 28.12.2018, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra phán quyết yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại cho VNS 4,8 tỉ đồng (Grab và cả VNS đều không bằng lòng với bản án và cùng kháng cáo).
Song song đó, VNS ưu tiên cải cách hoạt động để giữ vững vị thế. VNS dự kiến phủ xe đều trên các tuyến đường và đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách. Cuối năm 2018, VNS có 5.444 chiếc, chỉ bằng khoảng 1/5 số lượng xe của các hãng công nghệ. Vì thế, bên cạnh kế hoạch mua tối thiểu 320 xe, VNS sẽ thúc đẩy mô hình hợp tác kinh doanh (thương quyền, giống Uber/Grab). VNS ước tính, đến cuối năm nay, Hãng sẽ có 568 xe hoạt động theo mô hình này.
Đối với lượng xe sở hữu, VNS đã và sẽ tiếp tục triển khai nhượng quyền khai thác (tức khoán xe, trả phí mỗi ngày). Riêng hình thức tự doanh, VNS sẽ điều chỉnh tỉ lệ chia doanh thu theo hướng khuyến khích tài xế. VNS cũng sẽ thanh lý xe cũ, hỗ trợ tài xế chi phí làm mới xe. Chiến lược của VNS còn là tăng điểm tiếp thị, đẩy mạnh quảng cáo, tăng khuyến mãi, đầu tư cải tiến thêm cho ứng dụng (Vinasun App) và đa dạng hóa các kênh tiếp cận khách hàng. VNS cũng sẽ phát triển thêm thanh toán online, kết hợp với các ứng dụng thanh toán khác. Tất cả các giải pháp này nhằm mục tiêu đạt 20.000 lượt đặt xe qua ứng dụng trong năm nay. Ngoài ra, kế hoạch kinh doanh năm 2019 của VNS là ước đạt doanh thu kinh doanh và thu nhập khác là 2.230 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 99,6 tỉ đồng, tăng 11,8%.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh doanh của VNS đã có sự thay đổi tích cực khi Công ty dự kiến giảm mạnh nguồn thu từ thanh lý xe, chỉ còn góp 90,5 tỉ đồng so với mức 206 tỉ đồng của năm trước. Thay vào đó, VNS gia tăng các nguồn thu mới. Trước mắt, quý I/2019, thu nhập từ quảng cáo trên taxi của VNS đã tăng hơn 2 lần cùng kỳ, đạt 14 tỉ đồng, chiếm 44% lãi ròng của VNS. Công ty dự kiến đẩy mạnh dịch vụ (cho thuê xe, chạy hợp đồng) và giảm chi phí quản lý qua đa dạng hóa mô hình, giảm nhân sự. Nhờ vậy, quý I vừa qua, biên lợi nhuận gộp của VNS đã tăng lên 21,9% từ mức 17,8% cùng kỳ năm ngoái.
Những chuyển đổi của VNS đã mở ra tia sáng cho hãng taxi này. Thực tế, trong cạnh tranh với các hãng taxi công nghệ, không riêng VNS mà nhiều doanh nghiệp taxi như Mai Linh, Hoàng Long đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong một thị trường quy mô khoảng 500 triệu USD và có thể đạt tới 2 tỉ USD vào năm 2025, theo nghiên cứu của Google và Temasek, không ai muốn rời bỏ cuộc chơi. Trong 5 năm hiện diện, Grab đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào Việt Nam. Con số này sẽ còn tăng, nhất là khi Grab (mẹ) liên tục mở rộng hoạt động và nhận những khoản đầu tư hàng tỉ USD từ các tổ chức nước ngoài như SoftBank Vision Fund, Central Group, Toyota Motor.
Trong cuộc chiến với đối thủ lắm tiền, lãnh đạo VNS từng thừa nhận, Công ty thua về tài chính. Điều này đồng nghĩa, VNS sẽ chịu những hạn chế trong cuộc đua khuyến mãi, thu hút đối tác, khách hàng... Ngoài ra, hàng trăm tỉ đồng mà các hãng gọi xe công nghệ rót vào marketing, khuyến mãi đều nhằm thu thập dữ liệu, làm cơ sở triển khai nhiều dịch vụ như ví điện tử, cho vay tiêu dùng, giao nhận... Các hãng xe công nghệ muốn trở thành “siêu ứng dụng”. Đứng trước các đối thủ như vậy, VNS và các hãng taxi truyền thống sẽ rất khó khăn. Mặc dù vậy, trước tiềm năng thị trường, lãnh đạo Vinasun tin tưởng cơ hội cho Công ty vẫn còn nhiều.
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek công bố, thị trường gọi xe trực tuyến của Việt Nam đứng thứ 6 tại Đông Nam Á, sau Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Đây là khoảng trống để các hãng xe cùng khai thác mở rộng. Chưa kể, VNS có thể gia tăng phủ sóng về các tỉnh, nơi những hãng xe công nghệ vẫn chưa thâm nhập. VNS đang tự mở rộng hoặc chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác kinh doanh taxi với các doanh nghiệp như Hai Lúa.