Bách hóa Xanh
Vinasoy: Kinh doanh phải xây từ “gốc”
Tấm chân tình đặt vào mầm dinh dưỡng này đã mang lại trái ngọt, nhưng người Vinasoy vẫn chưa hài lòng. Họ tâm niệm rằng doanh nghiệp phải có “gốc”, cũng giống như cây có rễ vậy. Chúng tôi đã có buổi gặp gỡ với ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc điều hành Vinasoy, trò chuyện thêm về triết lý “xây nhà từ gốc, trồng cây từ mầm” mà Vinasoy đã đặt ra trong nhiều năm qua và nỗ lực hiện thực hóa trong thời gian gần đây.
* Trước hết xin chúc mừng Vinasoy đã mở rộng được thị phần trong năm qua, công suất cũng đã mở rộng thêm qua nhà máy Bình Dương mới khai trương. * Ông có hài lòng với kết quả này?
Kết quả tổng thể của Vinasoy ngày nay, tôi vẫn coi đó là sự may mắn kết hợp cùng sự nỗ lực của những con người ở Vinasoy. Nhưng hãy khoan nói về thị phần, doanh thu, với Vinasoy, niềm vui lớn của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở những con số, mà hãy nhìn vào sự hài lòng của khách hàng và sự tôn trọng của đối tác.
Dù vậy, Vinasoy vẫn còn rất nhiều điều phải làm trước mắt. Chúng tôi biết rằng kinh doanh sẽ không bao giờ có sự ổn định. Vì vậy, bản chất của con người Vinasoy là luôn đổi mới, học hỏi từng ngày để thích ứng với sự thay đổi. Thêm nữa, tâm lý người tiêu dùng liên tục thay đổi, đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục tìm hiểu để thấu hiểu người tiêu dùng, nếu dừng lại là chết.
Chân dung ông Ngô Văn Tụ - vị lãnh đạo đã truyền lửa cùng Vinasoy thắp sáng đam mê suốt 20 năm qua |
* Ông nói đến việc chuẩn bị cho sự thay đổi, phải chẳng đó là thời điểm mà những ông lớn đậu nành từ bên ngoài nhảy vào Việt Nam khi mà các dòng thuế quan được cắt giảm?
Đó là một thời điểm quan trọng, nhưng cạnh tranh luôn là điều cần thiết để tất cả mọi người vươn lên. Con người Vinasoy lúc nào cũng cần yếu tố như thế để xây dựng và thay đổi bản thân. Lĩnh vực sữa đậu nành ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Hãy nhìn vào lượng tiêu thụ sữa của Thái Lan hiện trên 13 lít/người/năm, so với con số của Việt Nam chỉ khoảng 7 lít/người/năm. Theo dự báo của Tetra Pak thì tiêu thụ sữa đậu nành ở Việt Nam sẽ tăng từ 780 triệu lít lên 900 triệu lít năm trong 3 năm tới. Tôi nghĩ đó là cơ hội cho chúng tôi tiếp tục khai thác mở rộng thị trường.
Tất nhiên, chúng tôi cũng đã có những kế hoạch riêng, đó là tập trung phát triển nguyên liệu đậu nành. Các đối thủ nước ngoài tuy mạnh về tiềm lực tài chính và sản phẩm đa dạng, nhưng chúng tôi có thị trường, có thương hiệu, có sự hiểu biết về người tiêu dùng. Thêm lợi thế về giống đậu nành, họ sẽ phải vất vả nếu muốn theo kịp chúng tôi.
* Vì sao giống đậu nành lại là yếu tố quan trọng như thế?
Sữa đậu nành luôn có bí quyết và công thức riêng, giống đậu nành là một nguyên liệu quan trọng trong đó. Không dễ để tìm ra một giống đậu nành phù hợp điều kiện thổ nhưỡng ở Việt Nam, nhu cầu vị giác của người tiêu dùng và cung cấp dưỡng chất tối đa. Đó là bài toán mà trong ngắn hạn chúng ta khó có thể đáp ứng được ngay.
* Vậy nếu kể về hành trình đi tìm giống đậu nành thì ông sẽ bắt đầu từ đâu?
Thực ra, kế hoạch này bắt đầu từ năm 2008 với sự hợp tác cùng chuyên gia trong nước để tìm nguyên liệu đậu nành phù hợp, nhưng mãi đến năm 2011 vẫn chưa có tín hiệu thành công. May mắn sau đó, Vinasoy có cơ duyên bắt tay với các nhà khoa học quốc tế từ hai trung tâm nghiên cứu đậu nành hàng đầu tại Hoa Kỳ và thành lập nên Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng đậu nành Vinasoy vào năm 2013.
Từ đó, chúng tôi bắt đầu tiếp cận và ứng dụng công nghệ di truyền phân tử để phát triển những giống đậu nành mới không biến đổi gen, vừa có năng suất cao vừa có những phẩm chất quý về hương vị và chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Đến nay, chúng tôi cũng rất vui mừng thông báo rằng hiện Trung tâm đang sở hữu ngân hàng giống lưu trữ hơn 1.588 nguồn gen quý của hạt đậu nành trong và ngoài nước.
Vùng nguyên liệu lành là cái “gốc” để chuẩn bị cho những bước đột phá về sản phẩm trong tương lai của Vinasoy. |
* Tại sao Vinasoy lại tốn công sức phát triển vùng nguyên liệu thay vì nhập khẩu hoàn toàn, vừa hiệu quả về chi phí vừa ít tốn nhiều công sức?
Vinasoy thì nghĩ đơn giản thôi. Mình là đơn vị lớn mà cái gì cũng mua thì mình cũng không còn lớn nữa. Thiết bị máy móc, bao bì thì đã mua của nước ngoài, đến nguyên liệu đậu nành mình cũng mua hết thì mình chỉ mãi là đơn vị gia công mà thôi.
Nhập khẩu nguyên liệu thì khỏe cho bản thân, nhưng bước phát triển bền vững tiếp theo gần như là không có. Ngược lại, nghiên cứu sẽ tạo ra sự khác biệt với các công ty khác và sẽ mang lại sự đột phá trong tương lai. Điều này không phải công ty nào cũng có thể làm được trong thời gian ngắn.
Cũng cần nói thêm, Vinasoy có được những gì ngày hôm nay là nhờ sữa đậu nành, nhờ những hạt đậu nành trồng nên từ đất mẹ. Vinasoy sẽ làm tất cả để không chỉ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thức uống dinh dưỡng, mà còn là chuyên gia về hạt giống đậu nành, phát triển cây đậu nành Việt Nam vươn tầm thế giới. Có một câu nói mà tôi hay nói với những người xung quanh rằng, chúng ta đã lấy từ đất những gì thì hãy trả lại như thế.
* Nhưng ông cũng biết rằng làm nông nghiệp sẽ rất khó?
Làm nông nghiệp là cả một quá trình dài, chưa bao giờ là dễ dàng. Dù biết là nông nghiệp khó làm, nhưng chúng ta có đi thì mới đến. Người Vinasoy tâm niệm rằng, kinh doanh lâu dài không chỉ kiếm lợi cho mình, mà còn phải mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Đó mới là những giá trị quan trọng trong cuộc sống.
* Ngoài vấn đề đầu tư vào giống nguyên liệu, triết lý “xây nhà từ gốc, trồng cây từ mầm” của Vinasoy còn chú trọng ở yếu tố nào?
Đó chính là yếu tố con người, đây là cái gốc, cái hồn của doanh nghiệp. Có một con số thú vị ở Vinasoy là tỉ lệ nghỉ việc ở đây chỉ có 5%. Thêm nữa, qua 20 năm, Vinasoy vẫn giữ chân được 10 nhà phân phối đã giúp đỡ Vinasoy thuở ban đầu và 78 người lao động vẫn còn làm việc trong con số 100 từ những ngày đầu.
Trong 20 năm qua Vinasoy không chỉ nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng, mà còn là tình cảm của đối tác và người lao động. Thành công của Vinasoy ngày hôm nay đến từ những nhân tố như vậy. Tôi nghĩ đó là những mầm lành hạt đậu nành mang đến cho mọi người.
Điều tốt đẹp từ tự nhiên gắn kết những con người tận tâm đưa Vinasoy vươn đến thành công hôm nay. |
Trên thị trường, người tiêu dùng có đến hàng chục loại sữa khác nhau, điều này cũng tương tự với các đối tác, nhưng họ vẫn tin tưởng và ủng hộ Vinasoy. Có những người lao động ở Vinasoy, dù được chào mời với mức lương gấp nhiều lần, nhưng họ vẫn ở lại vì muốn gắn bó với sữa đậu nành, chứ không qua một sản phẩm nào khác.
Tất nhiên, việc kinh doanh hầu hết đều hướng tới lợi nhuận, nhưng tôi cam đoan rằng những con người ở Vinasoy còn một điều cao cả khác để hướng tới, đó là cung cấp nguồn dinh dưỡng lành cho mọi nguời một cách tốt nhất, với nguồn nguyên liệu không biến đổi gen.
Để xây dựng được một tập thể như vậy, Vinasoy tự hào có một cơ chế minh bạch, giải quyết được các mối quan hệ lợi ích giữa cá nhân người lao động với nhau, mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, mối quan hệ với nhà phân phối và khách hàng.
Bản thân tôi rồi cũng sẽ nghỉ, nhưng điều quan trọng không chỉ là những con số kinh doanh, mà là thế hệ tiếp theo sẽ giữ được nhân cách đã hình thành như thế nào và định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp.
Kỳ vọng của ông về sự phát triển của Vinasoy trong tương lai như thế nào?
Hiện nay xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xanh, tốt cho xức khỏe đang ngày càng mở rộng trên khắp thế giới và đậu nành được coi là thực phẩm vàng của thế kỷ 21. Ở Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ sữa đậu nành sẽ còn gia tặng trong những năm tới. Riêng Vinasoy thì chúng tôi còn tới 65% hộ gia đình ở thành thị và 50% hộ gia đình ở nông thôn còn chưa khai thác. Đó là những cơ hội trong tầm tay để chúng tôi tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai. Với năng lực hiện có của 3 nhà máy đạt 390 triệu lít/ năm và với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng khi đầu tư về nguyên liệu, nhân lực, chúng tôi kỳ vọng sẽ chinh phục con số doanh thu 1 tỉ USD trong giai đoạn 10 năm tiếp theo.
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm tại: http://20nam.vinasoycorp.vn/ |