Thứ Ba | 02/04/2013 21:38

"Vinashin, Vinalines sẽ có thể sớm phục hồi"

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp báo ngày 2/4 tại Hà Nội.
Về tái cơ cấu của Vinashin và Vinalines - một vấn đề nóng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, sau 1 năm tình hình của 2 Tập đoàn này đã được cải thiện rất nhiều. Đến nay, việc làm của cán bộ công nhân cơ bản được duy trì. Riêng vấn đề nợ của hai tập đoàn này thì phải rất nhiều năm mới có thể giải quyết được. Tuy nhiên, chỉ một vài năm nữa là Vinashin, Vinalines sẽ có thể phục hồi.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết nội dung của quá trình tái cấu trúc Vinashin chủ yếu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, thực hiện đúng nhiệm vụ trọng tâm, không đầu tư dàn trải, ngoài ngành. Lĩnh vực kinh doanh của Vinashin hiện chỉ là đóng tàu, sửa chữa tàu, đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, Vinashin cũng đã giảm bớt số đầu mối, nhiều công ty "con - cháu" hiện đã thoái vốn, chỉ còn lại công ty "mẹ - con".

Trả lời câu hỏi liên quan đến dự án đầu tư xây dựng quốc lộ 1 (QL1), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, hiện nay mật độ trên QL1 rất lớn, có đoạn 20.000 - 30.000 lượt xe/ngày nên không đáp ứng được năng lực vận tải.

Chính vì vậy, Quốc hội đã quyết định giao cho Bộ Giao thông Vận tải đầu tư mở rộng QL1 đạt tiêu chuẩn 4 làn xe với thời hạn từ nay đến năm 2016 nâng cấp các đoạn tuyến cơ bản và hoàn thành vào năm 2020. Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng đề án tổng thể về cơ chế huy động vốn, tổ chức xây dựng và cách thức tổ chức dự án này.

Trước những lo ngại liên quan đến việc mở rộng dự án BOT có thể tác động đến giá cước vận tải, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết: "Việc nâng cấp QL1 lên 4 làn xe rất tốn kém nên Bộ đã đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay do trần nợ công nên chúng ta cũng đã giới hạn chuyện này. Chính vì vậy việc thu tiền từ nhân dân thông qua các trạm BOT là khả thi. Điều này là hợp lý vì nếu chúng ta chỉ dùng ngân sách Nhà nước thì đến năm 2020 sẽ chỉ hoàn thành một vài tuyến đường trọng điểm. Như vậy sẽ chậm tiến độ dự án".

Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2013, kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước giao cho Bộ rất thấp so với nhu cầu. Do vậy nhiều dự án thiếu vốn, tiếp tục phải đình hoãn, giãn tiến độ, chưa đáp ứng được các mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã đề ra.

Trong khi đó, suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn trong nước tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp đóng tàu và công nghiệp ô tô; giá các nguyên, nhiên liệu vật liều đầu vào vẫn tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu đã làm giảm đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nguồn Tin tức


Sự kiện