Thứ Hai | 13/01/2014 20:18

Vinashin lãi 7.900 tỉ năm 2013 nhờ “xoá lãi vay”

Cân đối tài chính năm 2013, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã có lãi 7.900 tỉ đồng.
“Nguyên tắc sản phẩm mới ký hợp đồng thì phải có lãi, tối thiểu phải ngang vốn. Còn với các hợp đồng đã ký trước đây thì mục tiêu là giảm lỗ càng nhiều càng tốt”, Chủ tịch SBIC trả lời khi được hỏi về tình hình kinh doanh dự kiến năm 2014.

Đây là số liệu mà theo báo Sài Gòn Tiếp Thị, đã được Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (SBIC) Nguyễn Ngọc Sự thông tin tại lễ ra mắt SBIC trong ngày cuối năm 2013, cũng là ngày mà SBIC chính thức thay thế tập đoàn Vinashin.

Trước đó, trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải từng không ít lần nói trước Quốc hội: nếu thị trường vận tải biển thuận lợi thì vào năm 2015 Vinashin mới bắt đầu làm ăn có lãi.

Tuy nhiên, “tôi phải nhấn mạnh khoản lãi 7.900 tỉ không phải do hoạt động sản xuất kinh doanh mang lại mà là kết quả của hoạt động tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu tài chính. Thực ra, sau khi tái cơ cấu tài chính, chúng tôi được giảm gốc và giảm lãi vay rất nhiều. Trước đây, nếu hạch toán lãi vay vào báo cáo tài chính thì Vinashin sẽ lỗ, nhưng sau khi được xoá lãi vay thì báo cáo tài chính đã không còn âm nữa mà dương lên rất nhiều”, ông Sự nói khi được tờ Sài Gòn Tiếp Thị phỏng vấn.

“Nguyên tắc sản phẩm mới ký hợp đồng thì phải có lãi, tối thiểu phải ngang vốn. Còn với các hợp đồng đã ký trước đây thì mục tiêu là giảm lỗ càng nhiều càng tốt”, Chủ tịch SBIC trả lời khi được hỏi về tình hình kinh doanh dự kiến năm 2014.

Ông cũng cho biết, SBIC chỉ giữ lại tám doanh nghiệp đóng tàu và các doanh nghiệp này “sẽ thay đổi về chất thật sự”, thông qua việc tinh giảm về số lượng lao động, tập trung cổ phần hoá tại doanh nghiệp, mời các đối tác vào nhưng đặc biệt ưu tiên đối tác nước ngoài với kinh nghiệm và thế mạnh ngành đóng tàu.

“Hiện chúng tôi đã tìm được đối tác Damen - tập đoàn hàng hải hàng đầu Hà Lan đã đầu tư vào ba công ty của chúng tôi. Damen đã ký thoả thuận ghi nhớ, theo đó họ sẽ mang hợp đồng từ các nước khác về cho các công ty của SBIC đóng tàu, họ cũng sẽ lo tài chính. Damen cũng đã hứa sẽ nghiên cứu hợp tác toàn diện với cả tám nhà máy đóng tàu của tổng công ty để thay đổi hẳn về chất, không thể để tình trạng bình mới rượu cũ được. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang làm việc với một loạt đối tác Nga, Hy Lạp, Singapore và cả tập đoàn Samsung”, ông Sự nói.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện