Thứ Hai | 18/11/2013 14:50

Vinashin được ngân hàng giảm nợ hơn 13.000 tỷ đồng

Tái cơ cấu Vinashin là nội dung được đặc biệt quan tâm trong báo cáo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải gửi tới Quốc hội trước thềm chất vấn.
Liên quan đến vấn đề được nhiều người quan tâm nhất là tái cơ cấu tài chính, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho hay Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC - Vinashin trước đây) cùng Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã hoàn thành việc tái cơ cấu đợt một theo hình thức phát hành trái phiếu hoán đổi nợ. Trái phiếu có kỳ hạn 10 năm và lãi suất 8,9% một năm. Theo đó, nợ gốc và lãi của SBIC đã giảm được 13.152 tỷ đồng. Khoản nợ sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm.

Với khoản nợ 600 triệu USD vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, SBIC và DATC đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Theo đó, tổng mệnh giá phát hành tính đến ngày 10/10 vừa qua là là 626,8 triệu USD (gồm cả gốc và lãi), tương đương 13.163 tỷ đồng, lãi suất đơn là 1% mỗi năm. Với thời hạn 12 năm, lãi và gốc được thanh toán toàn bộ một lần vào ngày đáo hạn năm 2025.

Đối với khoản nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và khoản vay khác theo báo cáo là 135,1 triệu USD. Hiện SBIC đã hoàn thành cơ cấu tương đương 112 triệu USD với điều kiện mua lại bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Như vậy, Tổng công ty đã giảm được khoảng 85 triệu USD tương đương 1.704 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của SBIC cơ bản được giảm, xóa, mua lại.... Số còn lại cơ bản được kéo dài, gia hạn thời gian trả nợ đến 2023 và 2025.

Báo cáo cũng cho biết năm 2013 dự kiến Tổng công ty bàn giao 39 tàu trị giá 146 triệu USD, có 19 tàu xuất khẩu trị giá 79 triệu USD.

Về nhân sự, SBIC tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lao động theo hướng giữ lại công ty mẹ và 8 đơn vị thành viên khoảng 8.000 người, tại các doanh nghiệp không giữ lại trong mô hình khoảng 6.000 người. Còn 14.000 lao động dự kiến cắt giảm, giải quyết chế độ cùng với quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp.

Báo cáo cũng đề cập đến quá trình thực hiện tái cơ cấu một "ông lớn" khác thuộc Bộ Giao thông là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Doanh nghiệp này đang cơ cấu để thu gọn đầu mối từ 73 xuống còn 36 doanh nghiệp, tập trung vào ba nhóm ngành nghề kinh doanh chính là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Kết quả năm 2013, Vinalines đã cổ phần hóa doanh nghiệp, chấm dứt hoạt động, giải thể 6 đơn vị, thoái vốn tại 7 công ty.

Tổng công ty cũng đã cơ cấu được 7.855 tỷ đồng dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và hơn 20.400 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 – 2014.

Nguồn Vnexpress.net


Sự kiện