Thứ Tư | 10/10/2012 14:53

Vinashin đề xuất giữ lại 13 doanh nghiệp thành viên

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, Vinashin sẽ trở lại trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải với dưới 13 doanh nghiệp thành viên đầu mối.
Trong số  20 tập đoàn, tổng công ty được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin quản lý trực tiếp, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là doanh nghiệp được cho là đáng chú ý nhất.

Bộ GTVT cho biết, hiện Đề án Tái cơ cấu bước 2 về mô hình tổ chức và hoạt động của Vinashin đã được thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Vinashin sẽ chỉ giữ lại các nhà máy, công ty thực hiện có tiềm lực về đóng mới, sửa chữa tàu biển có khả năng phát triển trong tương lai.

Các đơn vị thành viên được giữ lại sẽ được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Trong đó, công ty mẹ sẽ duy trì là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước để quản lý phần vốn đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin, Tập đoàn đề xuất Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho giữ lại công ty mẹ, 12 doanh nghiệp đóng tàu và Viện Khoa học công nghiệp tàu thủy.

Đây là mục tiêu khá nặng, bởi điều đó có nghĩa là, Vinashin sẽ phải tiếp tục thoái vốn triệt để tại ít nhất 30 doanh nghiệp thành viên, nếu đơn vị này đã thành công trong việc cắt giảm 216 đầu mối như mục tiêu tại Đề án Tái cơ cấu bước 1.

Hiện chưa rõ việc bán tài sản tại 3 đơn vị, bán 13 doanh nghiệp, chuyển nhượng phần vốn góp tại 32 công ty cổ phần mà Vinashin đưa ra hồi quý II/2012 đã được triển khai như thế nào, song trong bối cảnh thị trường tài chính ảm đạm như hiện nay, đây thật sự là mục tiêu rất khó khăn.

Điều đáng lo ngại là, do thị trường đóng tàu vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ đi xuống nên việc có thêm các đơn hàng mới trong năm 2013 và các năm tiếp theo của Vinashin là không khả quan. Nhiều chủ tàu cũng đến trao đổi, tìm hiểu, đưa ra giá thăm dò, nhưng ở mức rất thấp, nên Tập đoàn chưa thể ký hợp đồng.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện