Thứ Bảy | 21/09/2013 16:34

Vinashin cần hơn nghìn tỷ đồng để tái cơ cấu nhân sự

Để cắt giảm 1.4000 lao động, Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) cần hơn 1.200 tỷ đồng để trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm.
Ông Chu Đình Động, Phó Tổng giám đốc Vinashin cho biết về kế hoạch tái cơ cấu lao động trong Đề án tái cơ cấu Vinashin tại buổi làm việc với công đoàn Bộ GTVT và Tổng liên đoàn lao động Việt Nam chiều 20/9.

Ông Động cho biết: Vướng mắc nhất trong Đề án tái cơ cấu Vinashin hiện nay là giải quyết chính sách cho người lao động. Tổng số lao động của tập đoàn hiện nay là hơn 26.000 người, số lao động dự kiến giữ lại trong 8 đơn vị sau tái cơ cấu là khoảng 8.000 lao động, trong đó số lao đông đang không có việc làm của 8 đơn vị này là gần 2.000 người. Ngoài ra trong 226 DN còn lại hiện số lao động đang không có việc làm là hơn 6.000 người . Tóm lại, số lao động không có việc làm ổn định khoảng 1 năm trở lại đây là trên 8.000 người.

"Nếu không giải quyết được trên 8.000 người không có công ăn việc làm này thì sẽ tạo sức ép lớn cho DN . Bởi, hàng tháng doanh nghiệp chi nợ cho số này khoảng 30 tỷ đồng (vì không có tiền trả) bao gồm tiền lương, Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...", ông Động nói.

Thống kê mới nhất cho thấy, trong số hơn 8.000 lao động không có việc làm nói trên, có khoảng hơn 7.000 người trong diện đã xử lý cho nghỉ việc nhưng chưa thanh toán được các khoản lương, bảo hiểm các loại...

Theo quy định của luật, sau khi có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, trong vòng 7 ngày và chậm nhất là 30 ngày phải thanh toán các khoản chế độ, nhưng thực tế do nhiều đơn vị không có nguồn nên không dám triển khai giải quyết chế độ cho người lao động.

Trước thực tế này, ông Động cho biết, mặc dù tập đoàn chưa được giải quyết nguồn vốn, nhưng lãnh đạo tập đoàn đã "mạnh dạn" chỉ đạo toàn bộ các đơn vị triển khai, sắp xếp bố trí và sẽ giải ngân để thanh toán, giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động từ ngày 1/10 tới.

"Sở dĩ tập đoàn phải mạnh dạn quyết đinh là bởi, nếu càng kéo dài thời gian thì sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN vì số lượng 8000 lao động là rất lớn", ông Động cho hay.

Ngoài hơn 8000 lao động đề nghị có nguồn để cấp giải quyết ngay, thực hiện đề án theo Quyết định 1224 của Thủ tướng Chính phủ, tâp đoàn xác định có 165 DN giải thể phá sản, các DN này nếu thực hiện việc giải thể, phá sản thì số lao động trong 165 DN sẽ là gần 6.000 người.

Như vậy, theo phương án tái cơ cấu lao động của Vinashin, trong thời gian tới tập đoàn sẽ cắt giảm tới 14.000 người và giữ lại khoảng 8.000 người. Việc cắt giảm và giải quyết chế độ được thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 cắt giảm ngay 8.000 người sau đó tiếp tục cắt giảm cùng quá trình tái cơ cấu tổ chức DN.

Để thực hiện việc cắt giảm lao động, Vinashin đề nghị được hỗ trợ thêm từ nguồn quỹ sắp xếp DN Trung ương để trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm khi cắt giảm lao động.

Tổng nguồn quỹ để giải quyết cả 2 giai đoạn cho 14.000 lao động Vinashin dự tính cần khoảng gần 1.200 tỷ đồng.

Tránh để xảy ra khiếu kiện

Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch công đoàn Vinashin cũng giải thích rõ, việc cắt giảm 14.000 lao động của Vinashin không phải là việc giải quyết 14.000 lao động ra ngoài xã hội. Bởi, trong số này gồm có 5 nhóm đối tượng cắt giảm.

Cụ thể, trong các đối tượng này có lực lượng tự nguyện xin nghỉ việc vì có cơ hội việc làm tốt hơn (1); một số đối tượng xin nghỉ trước tuổi, nghỉ chế độ (2); một số lao động chuyển chủ sở hữu từ Vinashin sang một DN mới có việc làm (3). Ngoài ra trong số này có hơn 2.000 người đã xin nghỉ từ trước nhưng đang đợi giải quyết chế độ (4) và cuối cùng là số lao động dôi dư do thu hẹp sản xuât, ngành nghề. Số bị dôi dư này cũng được giải quyết dần dần…

Ông Thành cũng nói rõ, mong muốn của Tập đoàn là giữ lao động, đặc biệt là thợ có tay nghề, chuyên môn, phù hợp với chức năng, ngành nghề của công ty mới. Tuy nhiên, nhiều người có thâm niên, có tay nghề thì lại muốn nghỉ để có trợ cấp rồi dùng thời gian đi cống hiến nơi khác.

Trước báo cáo của đại diện tập đoàn Vinashin về kế hoạch tái cơ cấu lao động, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch công đoàn Bộ GTVT cho biết, để việc tái cơ cấu lao động của Vinashin được thuận lợi thì vai trong của tổ chức công đoàn là rất quan trọng. Thời gian qua Vinashin đã luôn nhận được sự đồng thuận chia sẽ của người lao động dù bất kỳ đó là thời điểm khó khăn nhất.

"Từ hơn 70.000 lao động, trong điều kiện kinh tế khó khăn đến nay số lao động đã giảm xuống còn 26.000 người, đây là nhờ có sự chia sẽ lớn của anh em công nhân, người lao động", ông Việt nói.

Chủ tịch công đoàn Bộ GTVT cũng yêu cầu, khi tiến hành giải quyết chế độ cho người lao động Vinashin cũng phải giản quyết đảm bảo chế độ theo đúng quy định hiện hành, không để xảy ra tình trạng người lao động khiến kiện vì không đảm bảo quyền lợi.

Ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng đề nghị công đoàn GTVT và công đoàn Vinashin tiếp tục tuyên truyền giải thích cho người lao động hiểu rõ về những khó khăn hiện tại của tập đoàn để người lao động chia sẻ và thông cảm với việc tái cơ cấu lao động tại Vinashin…

Đặc biệt, ngành GTVT phải phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chuyên môn giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật, tránh để xảy ra tình trạng khiến nại, khiếu kiện.

Nguồn Vietnamnet


Sự kiện