Thứ Sáu | 28/02/2014 09:57

VinaPhone phớt lờ trách nhiệm với người tiêu dùng?

Đến nay, người tiêu dùng (NTD) trong vụ việc VinaPhone tự ý tước số đẹp rồi bán ra thị trường vẫn chưa được nhà mạng này giải quyết thỏa đáng.

Mua sự bực mình khi SIM số đẹp vẫn còn "nguyên đai, nguyên kiện" nhưng đã bị nhà mạng VinaPhone tước đoạt và bán cho người khác, NTD Ng. Thế Anh ở Hà Nội thêm một lần nữa bức xúc về những cách trả lời và giải quyết quyền lợi cho khách hàng chậm trễ của VinaPhone.

Đặc biệt, đến nay khi số đẹp đó đã được "bêu" trên websiter sex, trang phim cấp 3, văn hóa đồi trụy, nhạy cảm, phía VinaPhone đã biết chuyện đó nhưng vẫn ép NTD lấy lại số. Và câu hỏi đặt ra là những phiền phức từ tin nhắn, từ những cuộc gọi sau này, nếu số đẹp đã được trả về cho chủ của nó thì hậu quả VinaPhone hay NTD gánh chịu?

Số đẹp của người tiêu dùng được sử dụng để mời chào sex, phim cấp 3

Số đẹp của người tiêu dùng được sử dụng để mời chào sex, phim cấp 3. Ảnh: N. N

Mới đây vào ngày 19/2/2014, Phòng Chăm sóc khách hàng Trung tâm dịch vụ viễn thông khu vực 1 thuộc VinaPhone đã có buổi làm việc với NTD Ng. Thế Anh. Tuy nhiên, buổi làm việc lại không diễn ra như mong đợi và rất nhanh chóng, NTD ra về với một công văn trên tay. Nội dung công văn số 381/VNP1 - CSKH đề ngày 18/2/2014 của Trung tâm dịch vụ viễn thông KV1 do bà Mạc Quỳnh Giang - Phó trưởng phòng Chăm sóc khách hàng ký có đoạn: "trong thời gian phối hợp giải quyết khiếu nại, khách hàng sử dụng số thuê bao 01232222333 đã thực hiện thanh lý hợp đồng và số thuê bao 01232222333 đã được đưa về kho số của VinaPhone. Vì vậy, VinaPhone đã thực hiện khai báo lại bộ KIT với trạng thái ban đầu... và thông báo ông đã có thể tiếp tục sử dụng bộ VinaCard này".

"Tôi đòi lại số nhưng nó phải thực sự sạch. Còn bây giờ, khi số đó đã được đăng đầy trên các trang nhạy cảm, văn hóa đồi trụy, phim cấp 3, người tốt, người không tốt biết cả. Tôi lấy lại số khác nào đón trước những phiền toái vào mình. Điều này phía VinaPhone không phải là không biết nhưng vẫn đưa ra một công văn trả lời rất vô trách nhiệm với khách hàng. Gần như ép buộc tôi lấy lại số đó trong khi lỗi là do họ gây ra. VinaPhone phải có trách nhiệm và phải trả cho tôi số khác phù hợp", NTD Ng. Thế Anh nói.

Trong những ngày qua, PV Chất lượng Việt Nam đã nhhiều lần liên hệ với phía VinaPhone để giải quyết các vướng mắc mà nhà mạng này gây ra cho NTD. Cả bộ phận chăm sóc khách hàng và đại diện truyền thông của VinaPhone không rõ vì lý do gì lại né tránh trả lời.

VinaPhone phớt lờ trách nhiệm với người tiêu dùng

VinaPhone phớt lờ trách nhiệm với người tiêu dùng? Ảnh: N. N

Phía Phòng chăm sóc khách hàng của Trung tâm dịch vụ viễn thông khu vực 1 thuộc VinaPhone luôn né tránh, không trả lời rõ thời điểm nào, khi nào sẽ giải quyết, trả lại quyền lợi cho NTD. Liên tục trong các lần liên hệ, bà Mạc Quỳnh Giang - Phó trưởng phòng chăm sóc khách hàng của Trung tâm dịch vụ viễn thông khu vực 1 thuộc VinaPhone đều cho rằng: sự việc vẫn đang trong quá trình giải quyết.

Theo lãnh đạo Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam, sự việc VinaPhone gây ra cho NTD bản thân họ cũng không muốn như vậy. Có điều, trong cách xử lý của VinaPhone không kịp thời, để sự việc kéo dài, càng gây bức xúc cho NTD.

Theo quy định tại Điều 8 - Luật Bảo vệ quyền lợi NTD được Quốc hội ban hành, NTD có nhiều quyền lợi "tối thượng". Tuy nhiên, với những gì mà VinaPhone đang thể hiện, NTD Ng. Thế Anh cho rằng, với khách hàng dùng sản phẩm dịch vụ của mình, có thể thấy, nhà mạng VinaPhone chẳng coi NTD và pháp luật ra gì.

8 QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG (Được qui định ở Điều 8 - Luật BV QLNTD)

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và các nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Nguồn Chất lượng Việt Nam


Sự kiện