T.H Thứ Bảy | 21/10/2017 15:01

Vinamilk bán vốn lần 2: Có nhiều thay đổi để thu hút nhà đầu tư

Lần chào bán cổ phần Vinamilk thứ 2 này của SCIC đã ghi nhận nhiều sự thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ngày 21.10, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ công bố thông tin về quy chế bán cổ phần tại Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cách đây vài ngày, buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần Nhà nước tại Vinamilk đã được SCIC tổ chức ở TP.HCM. Đáng chú ý, lần chào bán cổ phần Vinamilk thứ 2 này của SCIC đã ghi nhận nhiều sự thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, SCIC áp dụng việc tìm kiếm các phương thức bán vốn khác như: dựng sổ, bán chiến lược, cho phép nhà đầu tư ngoại được đặt cọc, ký quỹ bằng ngoại tệ, tránh rủi ro tỷ giá, lãi suất, cho nhà đầu tư nợ mã số giao dịch, nợ hồ sơ thủ tục. Thay vì nhà đầu tư phải chuẩn bị 110% giá trị giao dịch khi thanh toán (gồm 10% tiền đặt cọc), lần bán vốn này cho phép nhà đầu tư chỉ cần chuẩn bị 100%. Đây là những điểm mới trong cách bán vốn Vinamilk lần 2 với số lượng chào bán 3,33% vốn được định giá khoảng 350 triệu USD. Bên cạnh đó, một thông tin quan trọng chưa được công bố là mức giá khởi điểm. Mức giá này sẽ được công bố vào ngày 1.11 tới đây, khá sát ngày chào bán.

Rõ ràng, đây là một loạt thay đổi từ việc bán vốn cổ phần nhà nước của Vinamilk nhằm mục đích thu hút nhiều hơn số nhà đầu tư cả trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy việc bán vốn trở nên hiệu quả. Nếu lần bán vốn cổ phần Nhà nước này của Vinamilk đem lại hiệu quả, đây sẽ là tiền lệ tốt cho những đợt bán vốn tiếp theo không chỉ của Vinamilk mà còn của hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước khác.

Trong lần bán vốn lần 1, chỉ có tập đoàn đồ uống Singapore F&N quan tâm đăng ký mua 78,4 triệu cổ phần, tương đương 60% số cổ phần được chào bán, 40% còn lại không tìm được người mua. Kết quả này đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về cách bán bởi lẽ Vinamilk là một doanh nghiệp thuộc loại hiếm có khó tìm của cả Việt Nam, còn là niềm hy vọng vươn ra khu vực và thế giới trong khi đấu giá lại ế ẩm hơn 1/3.

Vinamilk ban von lan 2: Co nhieu thay doi de thu hut nha dau tu
 

Trong lần bán vốn lần 2, thay vì liên danh tư vấn 3 bên, SCIC lựa chọn UBS AG - Chi nhánh Singapore (UBS) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Cả VinaCapital và Morgan Standley đã không còn nằm trong danh sách.

Từ kinh nghiệm bán vốn lần 1 có thể thấy, cơ chế bán phần vốn Nhà nước ở doanh nghiệp theo các quy định pháp luật hiện nay còn nhiều bất cập. Ví dụ như việc quy định đặt cọc 10% giá trị đặt mua bằng tiền đồng và chào bán thông qua phương thức cạnh tranh (tương tự như đấu giá kiểu Hà Lan). SCIC và tổ chức tư vấn đã báo cáo với các cơ quan chức năng để có thể áp dụng cơ chế đặc thù tuy nhiên việc xem xét thay đổi cần có nhiều thời gian và đúng quy trình nên trong lần bán vốn này chưa thực hiện được .

Về việc đặt cọc, mặc dù SCIC đã rất tích cực trong việc làm việc với các bên liên quan để đưa ra thêm hình thức ký quỹ bằng USD bên cạnh hình thức đặt cọc bằng đồng Việt Nam nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn là phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.

Vinamilk ban von lan 2: Co nhieu thay doi de thu hut nha dau tu
 

Về phương thức bán cổ phần, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường. So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và bảo đảm các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.