Mai Hân Thứ Ba | 21/08/2018 15:40

Vinalines tính thoái vốn khỏi những công ty con thua lỗ

Quá mệt mỏi vì phải ôm một loạt các công ty con thua lỗ, Vinalines đang đưa ra những phương án để thoái vốn.

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, ngày 5.9 tới đây, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - công ty mẹ) sẽ hành phát hành (IPO) cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 10.000 đồng/cổ phần.

Số lượng chào bán cụ thể là 488.818.130 cổ phần (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ) cho các tổ chức và cá nhân trong nước đủ điều kiện theo Quy chế Bán đấu giá cổ phần do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. 

Giữ lại những công ty còn hoạt động hiệu quả 

Trước đây, Vinalines từng lên kế hoạch phát hành cổ phần nhưng chỉ có Công ty TNHH SK Securities (thuộc tập đoàn SK Group của Hàn Quốc) đăng ký làm nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, Securities không đáp ứng đủ điều kiện nên Bộ Giao thông Vận tải phải chuyển số cổ phần dự kiến chào bán cho cổ đông chiến lược thành cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai.

Với thành tích doanh thu bết bát từ nhiều năm nay, hiệu quả của đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần tới đây vẫn còn là một ẩn số, nhưng hiện Vinalines vẫn luôn trong tình trạng thua lỗ. Tính đến cuối năm 2017, con số lỗ luỹ kế của đơn vị này gần 3.254 tỉ đồng, lãi vay ngân hàng tính theo ngày là 2,2 tỉ đồng.

Chia sẻ thông tin về những hoạt động của Vinalines trong thời gian tới, Chủ tịch HĐTV Vinalines, ông Lê Anh Sơn, chia sẻ một số công ty như Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân, Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông với những nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn, Vinalines sẽ sớm có kế hoạch thoái vốn trong thời gian tới.Dự kiến, sẽ có 6, 7 công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển cũng sẽ được Vinalines thoái vốn.

Ông Lê Anh Sơn, cho biết “Chúng tôi đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải trong việc triển khai thoái vốn”. Ngay trong quý này và các giai đoạn sau của quá trình cổ phần hóa Vinalines sẽ tích cực thoái vốn. “Những doanh nghiệp mang tới kết quả thua lỗ trên Báo cáo tài chính, chúng tôi sẽ thoái vốn hết. Chỉ giữ lại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích trong hoạt động chuỗi”, ông Sơn chia sẻ thêm.

Một số công ty bị đánh giá hoạt động không liên tục như Biển Đông (Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông), âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỉ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp từ Vinashin bàn giao lại 100% vốn cho Vinalinles. Mặc dù đã tái cơ cấu nhưng khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng quá lớn, công ty sẽ sớm có giải pháp xử lý nợ với các tổ chức tín dụng.

“Đối với các doanh nghiệp hoạt động thua lỗ khác, trong đó có công ty đã niêm yết trên sàn, chúng tôi sẽ thoái hết vốn. Về cơ bản sau khi tinh gọn tài sản, thoái vốn ở các doanh nghiệp vận tải biển, hoạt động của Vinalines sẽ có lãi trong báo cáo hợp nhất”, ông Sơn, chia sẻ.

Dự báo thị trường chưa khởi sắc

Năm 2012-2015, Vinalines đứng trước bờ vực phá sản do giá cước vận tải thế giới liên tục đi xuống. Thua lỗ, hoạt động đầu tư - kinh doanh không hiệu quả dẫn tới nợ nần. Năm 2013, Vinalines đứng đầu bảng với lỗ phát sinh là 6.958,4 tỉ đồng và lỗ lũy kế 19.110 tỉ đồng. Sang năm 2014, Vinalines vẫn tiếp tục đứng đầu bảng với số lỗ phát sinh 3.478 tỉ đồng, con số này vào năm 2015 là 3.346,273 tỉ đồng.

Phải tới năm 2015, Vinalines mới chính thức thoát lỗ, ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 525,9 tỉ đồng. Bước sang năm 2016, lợi nhuận của Vinalines giảm xuống còn 388,8 tỉ đồng.

Đến năm 2017, Vinalines cũng gặp phải nhiều khó khăn, sau một loạt các phương án bán tàu và cắt giảm các chi phí giá vốn hàng bán, cắt giảm nợ vay… nhưng theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đến cuối năm 2017, doanh nghiệp này đang có số lỗ lũy kế là gần 3.254 tỉ đồng. Tổng tài sản của Vinalines cũng suy giảm còn 28.138 tỉ đồng, chủ yếu là sự suy giảm về tài sản cố định hữu hình do thanh lý đội tàu.

Nợ phải trả của Vinalines theo đó cũng giảm mạnh về 20.169 tỉ đồng. Tổng vay nợ giảm xuống còn 11.219 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng tài sản. Tổng công ty cũng có 11.655 tỉ vốn góp chủ sở hữu và ghi âm 3.361 tỉ đồng do chênh lệch đánh giá lại tài sản.

Theo con số dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng, tổng doanh thu đạt hơn 6.650 tỉ đồng và lợi nhuận công ty mẹ đạt 73 tỉ đồng. So với mục tiêu 668 tỉ đồng lợi nhuận cho cả năm 2018 thì con số 73 tỉ đồng như trên rõ ràng là rất thấp.

Dự kiến 2019, lợi nhuận sẽ được cải thiện lên 177,2 tỉ đồng và 223,5 tỉ đồng vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ trong năm tới dự kiến tăng gấp đôi lên 1.048 tỉ đồng và dự kiến đạt 1.063 tỉ đồng vào năm 2020.