Vinalines sẽ được giảm sở hữu ở hàng loạt cảng biển
Thay đổi lớn đầu tiên liên quan tới kế hoạch tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) chính là việc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chính thức "bật đèn xanh" cho việc thay đổi tỷ lệ vốn nắm giữ tại các doanh nghiệp khai thác.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tuần trước, Bộ GTVT kiến nghị cho phép Vinalines được hạ tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại 4 cảng đầu mối trọng yếu là Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn từ 75% xuống còn 51%; điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ từ 75% xuống còn 49% đối với các cảng: Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh; điều chỉnh tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ 50 - 65% xuống dưới 50% đối với cảng Khuyến Lương, Năm Căn; thoái toàn bộ phần vốn tại Công ty cổ phần Cảng Nha Trang.
Trước đó, theo báo cáo của Vinalines, nguồn thu từ IPO tại các công ty thành viên của Vinalines diễn ra trong 3 quý đầu năm 2014 đã không được như đơn vị này kỳ vọng, khi cả 4 cảng lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng đều chỉ bán được chưa đầy 5% cổ phần, trong khi mục tiêu thoái vốn cao gấp 5 lần.
Theo ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines, nguyên nhân chính dẫn tới cổ phiếu các cảng biển bị "ế" rất nặng là do tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của Nhà nước quá cao (75%) khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Nếu được Thủ tướng chấp nhận tỷ lệ nắm giữ cổ phần mới này, sức hấp dẫn của cổ phiếu cảng biển do Vinalines nắm cổ phần chi phối sẽ được cải thiện đáng kể.
Hiện có khá nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới các cổ phiếu cảng biển của Vinalines. Nổi bật trong số này là việc Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam - Ôman (VOI) đề xuất mua 19,68% cổ phần hiện do Nhà nước nắm giữ tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng - doanh nghiệp vừa đại hội đồng cổ đông lần đầu vào cuối tháng 6/2014 và Tập đoàn Vingroup mua cảng Nha Trang.
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù là cảng biển lớn nhất phía Bắc, nhưng trong đợt IPO được tổ chức vào tháng 5/2014, Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng chỉ bán được 5,315% lượng cổ phần.
"Tổng công ty dự kiến thu về thêm hơn 2.000 tỷ đồng phục để vụ cơ cấu tài chính, đồng thời nâng cao hiệu quả quản trị tại các cảng này", CEO Vinalines cho biết.
Đối với Công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) là doanh nghiệp có 51% vốn đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân (Vinalines góp 56,58% vốn vào Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân), Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái toàn bộ phần vốn của đối tác Việt Nam.
Được biết, sau 2,5 năm đầu tư xây dựng, Dự án Xây dựng bến số 2, 3, 4 Cái Lân do CICT làm chủ đầu tư đã được đưa vào khai thác từ tháng 3/2013. Tuy nhiên, do thị trường suy giảm, thiếu hệ thống giao thông kết nối, dẫn tới liên doanh này đã thua lỗ tới 243 tỷ đồng ngay trong năm đầu kinh doanh. Công ty cổ phần Đầu tư Cái Lân liên tục bị áp lực bổ sung thêm vốn để tái cơ cấu khoản nợ của CICT.
"Với tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ tại CICT, năm 2013, Công ty cổ phần Đầu tư cảng Cái Lân đã phải trích lập dự phòng 183 tỷ đồng cho khoản đầu tư liên doanh", một nguồn tin từ Bộ GTVT cho biết.
Mạnh tay khai tử doanh nghiệp thua lỗ
Cần phải nói thêm rằng, việc thay đổi tỷ lệ nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp khai thác cảng hậu cổ phần hóa chỉ là một trong số khá nhiều nội dung mà Bộ GTVT xin điều chỉnh liên quan tới Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013.
Cụ thể, Bộ GTVT chính thức đề xuất phá sản Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cà Mau thay cho việc tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ. Lý do dẫn tới đề xuất mạnh tay này của Vinalines là do doanh nghiệp này đã đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh, mất cân đối tài chính, không có khả năng trả nợ, không xây dựng được phương án kinh doanh khả thi. Như vậy, danh sách các công ty thành viên của Vinalines sẽ phá sản trong thời gian tới là Vinashinlines, Falcon và Công ty TNHH một thành viên Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau.
Ba đầu mối khác sẽ bị giải thể, chấm dứt hoạt động thay cho hình thức thoái vốn là Công ty cổ phần Phát triển cảng Bến Đình - Sao Mai; Trường cao đẳng Nghề hàng hải Vinalines; Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines - Đông Đô. Các đơn vị này vốn được thành lập để quản lý một dự án đầu tư, nhưng do tình hình vận tải biển bết bát, không huy động được nguồn lực tài chính, nên việc chấm dứt hoạt động được xem là giải pháp giải thoát "gánh nặng" cho chính Vinalines và các nhà đầu tư.
Đối với hai công ty cổ phần vận tải biển đang kinh doanh thua lỗ kéo dài là Biển Bắc và Hàng hải Đông Đô, Bộ GTVT đồng thuận với đề xuất của Vinalines trong việc thay đổi hình thức tái cơ cấu từ việc Tổng công ty nắm giữ từ trên 50% đến 65% vốn điều lệ xuống dưới 50%.
Theo ông Sơn, tái cơ cấu nợ đang là 3 vấn đề Vinalines đặc biệt quan tâm, bên cạnh việc mở rộng thị trường và cổ phần hóa công ty mẹ. Trong đó, với tái cơ cấu nợ, dù từng đề nghị nhiều chính sách ưu đãi như khoanh nợ, giảm lãi và xin cơ chế như Vinashin từng được hưởng, song ông Sơn cho biết, trong đề án kiến nghị tái cơ cấu nợ mới nhất, Tổng công ty không trông chờ chính sách đặc biệt là phát hành trái phiếu hoán đổi như Vinashin.
Thực tế, mới đây, Vinalines đã được một số chủ nợ lớn chấp nhận chuyển nợ thành vốn góp. Đây là được coi là thành công và hướng đi chính của doanh nghiệp trong tái cơ cấu nợ.
Nguồn Đầu tư