Vinalines không được xóa nợ, tiếp tục xin xóa 5 tàu
Chính phủ đã không cho phép Vinalines được xóa bất kỳ phần nợ gốc nào mà chỉ xóa một phần nợ lãi vay ngân hàng Phát triển (VDB) cho Vinalines đến 31/12/2013, nhưng không rõ con số này cụ thể là bao nhiêu. Riêng số nợ gốc hơn 2.000 tỉ đồng được khoanh lại trong 2 năm (31/12/2013 đến 31/12/2015).
Đối với khoản nợ tại 23 tổ chức tín dụng khác, Vinalines phải tự đàm phán với các ngân hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp theo hướng khoanh nợ gốc 3 năm (từ 31/12/2013 đến hết 31/12/2016). Chính phủ đề nghị các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay đến hết năm 2013 cho Vinalines.
Trước thông tin này, chia sẻ với Đất Việt, ngày 30/5, ông Lê Anh Sơn - TGĐ Tổng công ty hàng hải VN - Vinalines cho biết: "Đó chỉ là thông tin đồng ý từ phía chính phủ và hiện nay chúng tôi đang tiến hành đàm phán với các tổ chức tín dụng theo hướng đề xuất đó".
Theo lời ông Sơn, thì đây chính là định hướng và đề xuất của Vinalines trình lên Chính phủ, và được chấp thuận, giờ quan trọng là khâu đàm phán, hiện nay Vinalines đang đàm phán quyết liệt với một số tổ chức tín dụng trong nước và cả quốc tế.
Kết quả ban đầu, theo tiết lộ ban đầu của ông Sơn thì một số tổ chức trong nước đã đồng thuận giúp, chấp thuận chiết khấu tỉ lệ rất tốt cho Vinalines.
Vì hiện tại tình hình tài chính của công ty không thể trả được toàn bộ, dù ít hay nhiều, cứ giảm được, hoặc đấu tranh ngoại giao với các tổ chức được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu, đó là chủ trương của Vinalines.
Ông Sơn chia sẻ: "Hiện nay các ngân hàng trong đó có các nước ngoài, sau khi nghe Vinalines trình bày, cũng đã chấp nhận xóa lãi, không tính lãi hàng triệu đô, trong đó bao gồm các Ngân hàng rất lớn, các tổ chức quốc tế, đây là việc tốt. Ngân hàng nước ngoài còn giúp đỡ nhiệt tình, thì rất mong chờ vào các ngân hàng trong nước".
Hiện nay, ông cho hay, Vinalines đang trong quá trình đàm phán, thời gian tới sẽ tiếp tục làm việc với một loạt các ngân hàng và mong nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện cho Vinalines.
Tiếp tục xin xóa 5 con tàu khỏi danh mục xác định giá trị DN
Còn trước việc, chính phủ không đề cập đến việc đồng ý cho Vinalines loại bỏ 5 con tàu khỏi danh mục tài sản xác định giá trị DN theo như đề xuất của Vinalines, ông Sơn cho biết: "Chúng tôi sẽ phải tính toán, tiếp tục đề nghị xin loại bỏ khỏi danh mục xác định tài sản giá trị DN".
Bởi vì, theo ông Sơn, hiện tại, khâu xử lý tài chính của công ty chưa đủ mạnh nên cần phải kết hợp với các biện pháp khác, hoán đổi nợ thành cổ phiếu, khoanh nợ, giãn nợ, kể cả xử lý tài sản không hiệu quả, và chuyện đó là bình thường đối với các DN.
Mặc dù cũng đã nhận được sự quan tâm từ chính phủ, nhưng trước bài toán đã tiến hành CP hóa được chưa, thì ông Sơn nhận định: "Chúng tôi biết việc xử lý tài chính còn phải cần một thời gian dài, còn nhiều biện pháp xử lý cũng phải triệt để mạnh hơn nữa, còn tất cả những việc này chỉ là tín hiệu hỗ trợ, xử lý nợ, ngoài ra xử lý tài sản, xử lý khoản tồn đọng khác".
Nhưng ông cũng đưa ra một vài lời hứa hẹn: "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cố gắng hoàn thành mục tiêu và lộ trình mình đưa ra".
Và lộ trình CP hóa sẽ được Vinalines quyết tâm đạt được trong thời gian sớm nhất, nhưng không thể là ngày mai, ngày kia mà nó là cả một quá trình, bản thân Vinalines cũng tự nhận thấy bắt buộc phải CP hóa thành công.
Trong dự thời gian tới, ông Sơn cho biết: "Thứ nhất, chúng tôi vẫn tập trung vào các mảng có hiệu quả thì đầu tư, tập trung tháo gỡ, giải phóng tiềm năng của nó.
Thứ hai, thúc đẩy tăng năng suất lao động, ở những vùng có tiềm năng hơn, hiệu quả hơn, những mảng nào kém hiệu quả thì kiến quyết cắt bỏ. Đây là việc ai cũng phải làm, dù nhà nước hay DN tư nhân cũng phải làm. Chẳng qua, DN tư nhân sẽ giải quyết vấn đề đó nhanh hơn".
Và con đường này là con đường tất yếu, mảng nào kinh doanh không hiệu quả phải nhanh chóng thu gọn lại, giảm lỗ, mảng nào kinh doanh hiệu quả thì mình sẽ phát huy.
Nguồn Đất Việt