Vinalines “hạ mình thoát xác”
Để thương vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) sắp tới của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được thành công, Vinalines và Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp này xuống còn 36%.
Ðây là mức sở hữu thuộc dạng thấp nhất trong số các doanh nghiệp lớn của nhà nước trong diện phải cổ phần hóa. Trước đó, theo Quyết định 37 ban hành năm ngoái, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước trong Vinalines sau cổ phần hóa phải duy trì thấp nhất ở mức 75%.
Liệu hành động “hạ mình” hết cỡ này, cùng với vị thế là doanh nghiệp vận tải hàng hải lớn nhất Việt Nam, có giúp sự kiện IPO của Vinalines thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước?
Với tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược là 30%, cộng với sở hữu của nhà đầu tư khác khoảng 34%, thì vai trò của nhà đầu tư tư nhân trong thẩm quyền ra quyết định ở Vinalines sau IPO sẽ rất lớn. Điều này được kỳ vọng sẽ giải quyết được khúc mắc rất lớn bấy lâu nay, vốn làm chùn bước các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi tham gia vào các thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Vinalines hiện là doanh nghiệp vận tải hàng hải có quy mô lớn nhất Việt Nam. Doanh nghiệp này đang sở hữu 109 chiếc tàu biển với tổng trọng tải 2,5 triệu DWT, chiếm 31% tải trọng cả nước, từ tàu vận chuyển hàng rời, hàng lỏng cho đến tàu vận chuyển container để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Đội tàu biển của Vinalines đang chiếm 31% tải trọng của cả nước - Ảnh: thanhniennews.com |
Năm nay, Vinalines đặt mục tiêu sẽ đạt tổng khối lượng vận chuyển tàu biển vào khoảng 28,8 triệu tấn, tăng 4,5% so với năm trước. Công ty phấn đấu đạt mức tăng trưởng 5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa, Vinalines cũng đang mở rộng các lộ trình vận tải quốc tế, như tham gia với Nippon Yusen Kaisha (Nhật) thiết lập tuyến hải trình vận tải Thái Lan - Việt Nam - Singapore. Theo hãng nghiên cứu Business Monitor International, sự hiện diện của Vinalines trên các tuyến vận tải liên khu vực ở châu Á sẽ ngày càng tăng nhờ những liên kết quốc tế như thế.
Bên cạnh đội ngũ tàu biển có quy mô lớn, Vinalines còn sở hữu trực tiếp và liên doanh tổng cộng 18 cảng biển trải dài từ Bắc tới Nam, với những tên tuổi lớn như Cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh, Cảng Đoạn Xá, Cảng Đình Vũ, Cảng Đà Nẵng, Cảng Sài Gòn hay Cảng Cái Mép. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển qua hệ thống cảng của Vinalines hiện chiếm khoảng 19% quy mô cả nước.
Nếu lĩnh vực kinh doanh vận tải biển của Vinalines đang phải cạnh tranh khắc nghiệt với các tập đoàn vận tải biển hàng đầu quốc tế, thì kinh doanh cảng biển thật sự là thế mạnh “trời cho” của doanh nghiệp này. Vinalines hiện có quy mô diện tích các cảng lên tới hơn 1 triệu m2.
Theo ghi nhận của Business Monitor International, một số cảng của Vinalines ở khu vực phía Bắc như Cảng Đoạn Xá và Cảng Đình Vũ đang hoạt động rất tốt, với lợi nhuận hằng năm mang lại ngang ngửa với vốn điều lệ. Một số cảng ở miền Trung và miền Nam tuy lợi nhuận ít hơn nhưng cũng ở mức chấp nhận được, bất chấp ngành vận tải biển đang đối mặt với khó khăn.
Để cải thiện tính hiệu quả của hoạt động cảng biển, Vinalines đang bán bớt cổ phần nắm giữ ra bên ngoài. Những cảng tốt, có quy mô lớn và nằm ở vị trí địa lý thuận lợi đã nhận được sự quan tâm từ các tập đoàn trong và ngoài nước.
Ví dụ, mới đây Tập đoàn T&T của bầu Hiển đã ngỏ ý muốn mua lại Cảng Quảng Ninh, 1 trong 2 cảng hàng rời chính ở phía Bắc. Quỹ dự trữ Quốc gia Oman thì tỏ ý muốn trở thành cổ đông chiến lược tại Cảng Hải Phòng. Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup lại muốn thâu tóm cổ phần tại Cảng Sài Gòn và Cảng Hải phòng và đã được phép nhận chuyển nhượng 34,65% cổ phần tại Cảng Nha Trang.
Ngoài quy mô lớn, vị thế đắc địa của một số cảng nằm trong hệ thống của Vinalines cũng là điểm hấp dẫn rõ nét. Điển hình là Cảng Sài Gòn với mảnh đất vàng nằm ngay trung tâm thành phố. Theo phương án cổ phần hóa Cảng Sài Gòn, Vinalines sẽ cùng với các đối tác bên ngoài chuyển đổi công năng mảnh đất này trở thành khu phức hợp với cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại giải trí, khách sạn và cảng tàu khách quốc tế. Đến nay, đã có một số tập đoàn tư nhân ngỏ ý muốn tham gia vào thương vụ IPO của Cảng Sài Gòn.
Nhìn chung, trong khi lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải (logistics) gặp nhiều thách thức, Vinalines vẫn duy trì được thế mạnh là đội ngũ tàu biển và hệ thống cảng biển rộng lớn. Với việc tỉ lệ sở hữu nhà nước giảm sâu, Vinalines rất kỳ vọng đợt cổ phần hóa sắp tới sẽ thành công với số tiền thu về có thể lên đến 5.600 tỉ đồng, một con số đủ để giảm các khoản vay của tập đoàn này; cũng như thực hiện một số dự án đầu tư mới nhằm nâng cấp chất lượng đội tàu, hệ thống logistics và cơ sở hạ tầng các cảng.
“Đến năm 2019, Vinalines sẽ giải quyết được hết nợ và cân bằng được các dòng vốn. Trạng thái tài chính của doanh nghiệp sẽ rõ ràng hơn và các ngân hàng sẽ tin tưởng hơn vào hoạt động của Tổng Công ty”, ông Lê Anh Sơn, Tổng Giám đốc Vinalines, cho biết.
Ðối với các nhà đầu tư bên ngoài, động thái giảm tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vinalines là khía cạnh tích cực. Tuy nhiên, có lẽ họ vẫn rất băn khoăn khi nhìn vào tình hình tài chính của doanh nghiệp này.
Năm ngoái, Vinalines tiếp tục lỗ 1.625 tỉ đồng. Dù mức lỗ đã giảm tới 77% so với năm trước, nhưng đây vẫn là một con số rất lớn. Tổng khoản lỗ lũy kế của Vinalines đã lên tới hơn 20.000 tỉ đồng. Con số nợ phải trả của doanh nghiệp này, tính đến hiện nay đã lên đến 12.300 tỉ đồng. Liệu chiêu “hạ mình thoát xác” của Vinalines sẽ thành công?
Sơn Nguyễn