Vinalines được xóa một phần nợ lãi tại các ngân hàng
Vinalines đã đề xuất lên Chính phủ nhiều phương án khác nhau về tái cơ cấu nợ, trong đó bao gồm các biện pháp xin giảm nợ gốc theo phương án giảm trừ 60% hoặc 70% nghĩa vụ nợ, bán tài sản trả nợ, cho chủ nợ hoán đổi nợ thành vốn góp tại các công ty sau cổ phần hóa, miễn giảm lãi, khoanh và giãn nợ…
Tổng nợ theo Báo cáo tài chính hợp nhất của Vinalines đến hết năm 2013 là hơn 11.000 tỉ đồng so với vốn chủ sở hữu của công ty mẹ là 4.250 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Chính phủ chỉ chấp nhận xóa dư nợ lãi vay tại Ngân hàng Phát triển (VDB) cho Vinalines đến 31-12-2013, nhưng không rõ con số này cụ thể là bao nhiêu. Riêng số nợ gốc hơn 2.000 tỉ đồng được khoanh lại trong 2 năm (31-12-2013 đến 31-12-2015).
Đối với khoản nợ tại 23 tổ chức tín dụng khác, Vinalines phải tự đàm phán với các ngân hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp theo hướng khoanh nợ gốc 3 năm (từ 31-12-2013 đến hết 31-12-2016). Chính phủ đề nghị các ngân hàng xem xét miễn giảm lãi vay đến hết năm 2013 cho Vinalines.
Chính phủ chỉ cho phép công ty mẹ, các doanh nghiệp vận tải biển trực thuộc Vinalines, các doanh nghiệp mà Vinalines sở hữu 100% vốn cùng các doanh nghiệp thuộc Vinashin chuyển sang có kết quả kinh doanh 2012 và 2013 thua lỗ được tái cơ cấu như thế này. Điều đó đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, logistic, các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả hoặc các doanh nghiệp thuộc diện cho phá sản như Vinashinlines không có tên trong danh sách .Kể cả các doanh nghiệp mà Vinalines có vốn góp 51% trở lên cũng không được xếp vào diện tái cơ cấu nợ.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GTVT và NHNN nghiên cứu phương án hoán đổi các khoản vay tại các ngân hàng của Vinalines thành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện nếu Vinalines trình phương án khả thi để Chính phủ ra chủ trương thực hiện. Song đến nay Vinalines chưa lên phương án cụ thể.
Như vậy, công ty mẹ và ba công ty thuộc diện hạch toán phụ thuộc, 100% vốn nhà nước được tham gia tái cơ cấu . Số các doanh nghiệp còn lại đều phải chủ động phương án đàm phán, tái cơ cấu nợ với các ngân hàng. Nếu tách riêng thì số nợ của công ty mẹ và 3 công ty con chỉ còn nằm trong khoảng 3.000 -4.000 tỉ đồng phải tái cơ cấu.
Số dư nợ lớn nhất của Vinalines vẫn thuộc về ngân hàng Vietinbank và VDB nhưng mới chỉ có Vietinbank đề nghị chuyển nợ thành vốn góp trong khi một số tổ chức tín dụng nước ngoài đã đồng ý tái cơ cấu nợ với Vinalines. Ngân hàng BIDV vẫn giữ quan điểm kiện Vinalines ra tòa.