Thứ Sáu | 11/07/2014 16:53

Vinalines có nguy cơ bị phạt hợp đồng 65 tỷ đồng

2 năm sau khi dừng đầu tư dự án xây cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, Vinalines đang nếm quả đắng phạt vi phạm hợp đồng lên tới 65 tỷ đồng.
Thông tin Vinalines có nguy cơ bị phạt hơn 65 tỷ đồng chỉ được hé lộ sau khi vào đầu tuần này, lãnh đạo Vinalines phải phát văn bản khẩn đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) có ý kiến với Chính phủ, các cơ quan tư pháp hỗ trợ để hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan tới khiếu nại của nhà thầu thi công Gói thầu 6b1, Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong là SK E&C (Hàn Quốc).

Vụ tranh chấp hợp đồng phức tạp này bắt đầu khi SK E&C khởi kiện Vinalines với tư cách là chủ đầu tư Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong ra VIAC. Lý do mà nhà thầu này đưa ra là họ bị thiệt hại do Vinalines đơn phương chấm dứt hợp đồng Gói thầu 6b1 từ tháng 9/2012 khi vẫn còn thi công dang dở.

Sau khi xem xét hồ sơ mà SK E&C đệ trình, ngày 4/1/2014, VIAC ra Phán quyết số 28/12 buộc Vinalines phải bồi thường cho nhà thầu Hàn Quốc số tiền 47,93 tỷ đồng và phải chịu phí trọng tài 573 triệu đồng. Phán quyết này chưa được thực hiện, thì ngày 26/2/2014, VIAC tiếp tục “bồi” thêm đòn cho Vinalines khi ra Quyết định 65 sửa chữa và giải thích Phán quyết số 28/12. Theo đó, Hội đồng Trọng tài sửa đổi số tiền mà Vinalines phải bồi thường từ 47,93 tỷ đồng thành 65,261 tỷ đồng (bao gồm các khoản lãi phát sinh) và phải chịu 781 triệu đồng phí trọng tài.

“Đây là phán quyết không đúng pháp luật, không đúng bản chất sự việc, vi phạm nghiêm trọng thủ tục trọng tài gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Vinalines”, ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc Vinalines đánh giá.

Trước đó, để triển khai Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, vào tháng 10/2009, Vinalines và liên danh nhà thầu là SK E&C - Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco) đã ký Hợp đồng 03/VP/2009/HĐ - HHVN thi công Gói thầu số 6b1 xây dựng cầu tàu với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Hợp đồng này được khởi công từ tháng 10/2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng thi công.

Theo Vinalines, sở dĩ có việc dừng triển khai hợp đồng trên là do vào tháng 9/2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn 6881/VPCP - KTN thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo dừng thực hiện Dự án Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Vinalines giải thích rằng, đây là thời điểm nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên Chính phủ có chủ trương rà soát và tạm dừng một số dự án đầu tư để tập trung vốn vào các công trình trọng điểm cấp thiết.

Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 294 Luật Thương mại - “bên vi phạm hợp đồng được miễn trừ trách nhiệm trong các trường hợp sau đây: hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”, Vinalines cho rằng, họ không phải chịu chế tài thương mại liên quan đến việc dừng Gói thầu 6b1.

Đối với phần việc mà nhà thầu đã thực hiện đúng hợp đồng, Tổng công ty sẽ thanh toán theo đúng các quy định. Thực tế, Vinalines đã tạm ứng cho SK E&C 87,6 tỷ đồng, vượt quá giá trị đã thực hiện của nhà thầu.

Đại diện Vinalines khẳng định, việc thực hiện hợp đồng Gói thầu 6b1 gồm Vinalines, Liên danh SK E&C - Vinawaco dưới sự giám sát chặt chẽ của tư vấn Meihardt - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng cảng đường thủy (TEDI Port) và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), nên việc VIAC không đưa đầy đủ các bên liên quan tham gia tố tụng vụ kiện với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng để làm rõ tình tiết vụ việc là vi phạm nghiêm trọng pháp luật và trình tự tố tụng trọng tài.

VIAC cũng bị tố cáo là sử dụng chứng cứ giả mạo cho nguyên đơn cung cấp là bản photocopy một thư trao đổi công việc giữa tư vấn giám sát và giám đốc ban quản lý dự án để làm “Chứng chỉ thanh toán tạm” mà không xác minh tính xác thực của thư này.

Liên quan tới Quyết định 65/VIAC, Vinalines cho rằng, việc Hội đồng Trọng tài đã tuyên án lần 2 là vi phạm nghiêm trọng của pháp luật, trong khi chỉ có quyền sửa lỗi chính tả, hoặc đính chính số liệu bị sai do đánh máy.

Không đồng thuận với phán quyết của VIAC có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, Vinalines đã có đơn gửi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội yêu cầu hủy phán quyết theo quy định của tại Luật Trọng tài thương mại và được Tòa án thông báo thụ lý vào ngày 7/3/2014.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, trong khi chờ Tòa án phân xử, Vinalines đã phải nếm “trái đắng” từ vụ kiện. Cụ thể, sau khi VIAC đưa ra phán quyết ít ngày, phía SK E&C đã yêu cầu tòa án quận Daegu - Pohang (Hàn Quốc) giữ tàu của Vinalines để thi hành phán quyết của trọng tài. Vinalines đã phải thực hiện các thủ tục mở tài khoản phong tỏa để giải phóng tàu.

“Việc làm này của SK E&C đã gây ảnh hưởng xấu và tổn thất nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của đội tàu, nhất là trong giai đoạn vô cùng khó khăn của ngành vận tải biển hiện nay”, lãnh đạo Vinalines kêu cứu.

Nguồn Báo Đầu Tư


Sự kiện