Thứ Sáu | 31/08/2012 20:04

Vinafood1 có đủ tiền để tái cơ cấu

Vướng mắc lớn nhất trong Đề án tái cơ cấu Vinafood1 là bất đồng quan điểm trong việc sử dụng quỹ đất để xây dựng chuỗi siêu thị bán hàng nông sản.
Báo Đầu tư ngày 17/8 dẫn một ý kiến cho rằng: “Tổng số nợ phải trả năm 2011 của Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1 - VNF1) ước 10.900 tỷ đồng, trong khi mức vốn điều lệ được phê duyệt của VNF1 là 3.068 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ đã vượt quá 3 lần, chưa phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Tài chính, chưa kể nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn tới là 8.000 tỷ đồng”.

Phản hồi lại thông tin trên, TS. Nguyễn Đức Sơn, Chánh Văn phòng VNF1, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án Tái cơ cấu VNF1 khẳng định, Tổng công ty thuộc diện doanh nghiệp nhà nước có hệ số tài chính an toàn nhất.

Cụ thể, tổng tài sản của VNF1 hiện là 12.000 tỷ đồng. Lợi nhuận của Tổng công ty trong 6 tháng đầu năm đạt 470 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm. Tổng số nợ phải trả 6 tháng đầu năm 2012 giảm còn 8.700 tỷ đồng, đưa hệ số nợ từ 2,81 lần đầu năm 2012 xuống còn 2,1 lần vào ngày 30/6/2012.

“Nợ của chúng tôi là nợ vay để mua gạo xuất khẩu, tức là nợ ngắn hạn, có chân hàng, có khả năng thu hồi cao, chứ không phải các khoản nợ do đầu tư, vì vậy, không hề đáng lo”, ông Sơn nói.

Về khoản đầu tư 8.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2011-2015, ông Sơn khẳng định, vốn đầu tư cho công ty mẹ chỉ hơn 3.000 tỷ đồng (640 tỷ đồng/năm), tập trung vào kho tàng, nhà máy chế biến gạo, nhà máy thức ăn gia súc và hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bán nông sản, thực phẩm.

VNF1 đã xây dựng phương án điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Công ty mẹ từ 3.068 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Nguồn để tăng vốn điều lệ là từ lợi nhuận sau thuế và vốn thu hồi từ việc rút vốn đầu tư tại một số doanh nghiệp không liên quan đến ngành nghề chính sau khi Đề án tái cơ cấu được phê duyệt.



Tuy nhiên, hiện nay, do giá lương thực đi xuống, một số công ty con của Tổng công ty bị chiếm dụng vốn, kinh doanh thua lỗ. Vì vậy, VNF1 đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế đặc thù cho công ty mẹ được cơ cấu lại tình hình tài chính của một số công ty con ở các địa bàn trọng điểm về an ninh lương thực nhưng đang gặp khó khăn. Ông Sơn khẳng định, với tình hình tài chính hiện nay, VNF1 hoàn toàn có khả năng hỗ trợ các công ty con.

Xây dựng chuỗi siêu thị bán hàng: băn khoăn đầu tư ngoài ngành
Đa phần các công ty con của VNF1 đang quản lý nhiều lô đất có vị trí đẹp ở các địa phương, song lại có tiềm lực tài chính rất thấp. Vì vậy, để phát huy lợi thế này, VNF1 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VNF1 phối hợp với các công ty con, đồng thời  kêu gọi thêm các đối tác thực hiện các dự án đầu tư trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh để cải tạo, xây dựng mới hệ thống kho tàng, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích của hệ thống "chuỗi" phân phối - bán buôn, bán lẻ lương thực, thực phẩm, kết hợp xây dựng văn phòng cho thuê, chung cư cho người lao động ngành muối, lương thực nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn đầu tư.

Một lãnh đạo của Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất này là không phù hợp với chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Nhà nước. Nếu được chấp thuận, khả năng VNF1 lách quy định để đầu tư ngoài ngành là rất cao. Tuy vậy, cũng có ý kiến tán thành với đề xuất này vì chỉ với cách làm như trên, ngành lương thực, thực phẩm mới xây dựng được chuỗi phân phối nông sản, thực phẩm chất lượng cao.

Về phía VNF1, TS. Nguyễn Đức Sơn khẳng định, Nhà nước hoàn toàn có thể giám sát được vấn đề đầu tư ngoài ngành bằng cơ chế thích hợp. Theo đó, VNF1 chỉ góp vốn vào phần xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị bán hàng nông sản, thực phẩm chất lượng cao, còn phần khác là do các đối tác góp vốn. Nếu được thông qua, VNF1 sẽ có đề án riêng về vấn đề này.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện