Vinafood 1: Thoái vốn chưa xong, cổ phần hóa đã tới!
Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), trong nhóm những công ty nhà nước đầu tư kinh doanh kém hiệu quả, đang phải thoái hết vốn tại các công ty ngoài ngành và chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa vào năm 2017. Liệu đây có phải là lối thoát, giải pháp phù hợp giúp cho Vinafood 1 thoát khỏi những khó khăn?
Tăng tốc tái cấu trúc
Vinafood 1 được thành lập từ năm 1995 với nguồn vốn chưa tới 200 tỉ đồng. Sau 20 năm, tách gộp nhiều thành viên, đến nay Tổng Công ty có 30 công ty con, 13 công ty liên kết trong đó có 3 công ty liên doanh với Malaysia, Singapore, Iraq.
Lĩnh vực kinh doanh của Vinafood 1 dàn trải từ buôn bán lương thực, thực phẩm đến bất động sản, buôn bán nguyên liệu, sửa chữa máy móc, vui chơi giải trí, du lịch… Sự dàn trải kết hợp với khủng hoảng trong những hoạt động ngoài ngành đã tác động nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của Vinafood 1: tỉ lệ nợ phải trả trên vốn lên đến 68% và tỉ lệ cổ tức chia trên vốn góp tại các công ty con trung bình chỉ đạt 5,31%.
Sau một thời gian Thủ tướng chính phủ phê duyệt mức vốn điều lệ Tổng Công ty Vinafood 1 đến năm 2015 từ 3.965 tỉ đồng lên 4.359,39 tỉ đồng, Nhà nước tiếp tục yêu cầu cổ phần hóa Vinafood 1. Theo đó, năm 2015 này, Vinafood 1 sẽ thực hiện thoái vốn khỏi 19 công ty con, 3 dự án và chuẩn bị cổ phần hóa vào năm 2017.
Hiện Vinafood 1 đang bán đấu giá 86.940 cổ phần tại Công ty Cổ phần Bia Hà Nội-Nam Định (Hanabeco) với giá khởi điểm 11.460 đồng/cổ phần. Công ty Bia Hà Nội-Nam Định có vốn điều lệ 20 tỉ đồng, chủ yếu sản xuất, kinh doanh các loại bia, cồn, rượu và nước giải khát. Công ty này còn sản xuất, chế biến và mua bán lương thực, thực phẩm; kinh doanh nhà hàng, khách sạn, du lịch…
Một công ty nữa được Vinafood 1 thoái vốn cùng ngày với Bia Hà Nội-Nam Định là Công ty Cổ phần Tập đoàn Muối miền Nam, có quy mô 500 tỉ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, mua bán các loại nguyên liệu, muối chế biến, muối iốt, các mặt hàng thực phẩm có muối iốt và các sản phẩm từ nước biển… Với Muối miền Nam, Vinafood 1 đang bán đấu giá 177.845 cổ phần với giá khởi điểm là 11.100 đồng/cổ phần.
Trước đó, Vinafood 1 cũng đã thực hiện bán đấu giá để thoái vốn tại nhiều công ty khác như Công ty Cổ phần Lương thực Đông Bắc, Công ty Cổ phần Lương thực Hà Sơn Bình, Công ty Cổ phần Lương thực Sông Hồng, Công ty Cổ phần Vinafood 1 Hải Dương...
Thiếu hấp dẫn đối với nhà đầu tư chiến lược
Trong quá khứ, Vinafood 1 từng để xảy ra những thua lỗ không đáng có. Tổng Công ty từng ứng tiền mua hàng lên tới hàng chục tỉ đồng, dẫn đến nguy cơ mất vốn lớn do không áp dụng các hình thức bảo lãnh, bảo đảm phù hợp, hoặc chậm thu hồi nợ. Một số công ty trực thuộc Vinafood 1 từng ứng trước tới 90% giá trị hợp đồng mà khách hàng đến nay vẫn chưa giao hàng.
Trong lĩnh vực chính là xuất khẩu gạo, Vinafood 1 cũng chưa thể hiện rõ hiệu quả trong hoạt động. Tại Việt Nam, Vinafood 1 và Vinafood 2 đều là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thực phẩm và là đầu mối trong xuất khẩu gạo. Do mức giá đưa ra đấu thầu thấp hơn nhiều so với các nước khác nên các hợp đồng xuất khẩu gạo lại khiến các Tổng Công ty này thua lỗ triền miên và liên tục gồng mình trả nợ. Giá thu mua lúa gạo cũng vì thế mà thấp và gây thiệt hại cho người nông dân.
Sau những hợp đồng gạo xuất khẩu với giá thấp gây thua lỗ cho ngành gạo Việt Nam, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đề nghị, bổ sung Vinafood 1 làm đầu mối giao dịch hợp đồng tập trung tại các thị trường Philippines, Indonesia, Malaysia.
Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, nhà nghiên cứu nông nghiệp, cho rằng Vinafood 1 và Vinafood 2 đang nắm giữ trên 50% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nếu các Tổng Công ty này còn được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trao nhiều đặc quyền, đặc lợi trong quyết định xuất khẩu thì sẽ xuất hiện tình trạng độc quyền trong xuất khẩu gạo. Thông thường, Vinafood 1 và Vinafood 2 được cử đi đàm phán thì sẽ được VFA ưu tiên phân bổ 30% tổng lượng gạo trong hợp đồng được ký.
Không thể tham gia vào các hợp đồng xuất khẩu gạo của Vinafood 1 và Vinafood 2, nhiều công ty xuất khẩu gạo tư nhân phải tìm các ngách xuất khẩu khác. Tuy nhiên, chấp nhận làm chân rết thu mua gạo cho 2 đơn vị này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận thua lỗ, ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco thành phố Cần Thơ, chia sẻ.
Hãy quay trở lại với những khó khăn của Vinafood 1 trong quá trình tái cấu trúc. Đại diện Vinafood 1 từng chia sẻ, quá trình thoái vốn đang bế tắc ở khâu tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Trong giai đoạn cổ phần hóa sắp tới, việc tìm nhà đầu tư chiến lược lại càng khó khăn bởi vì lương thực là ngành nghề kinh doanh không hấp dẫn. Vì thế, Vinafood 1 đã bắt đầu triển khai chương trình giới thiệu cơ hội đầu tư, thu hút đối tác chiến lược cho kế hoạch cổ phần hóa vào năm 2017.
Vậy là trong khi chưa giải xong bài toán thoái vốn, Vinafood 1 tiếp tục phải triển khai quá trình cổ phần hóa. Cả hai bài toán đều đang gặp khó khăn trong lời giải về đối tác chiến lược.
Mai Hân