Vinaconex-Viettel đặt mục tiêu trở thành ngân hàng đầu tư vào 2015
Theo báo cáo của Nghị quyết của Hội đồng quản trị, tính đến cuối năm 2012, VVF đạt tổng tài sản 3.602 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2011; lợi nhuận trước thuế đạt 112,4 tỷ đồng, giảm 38% so với năm 2011 và chỉ hoàn thành chưa đến 60% kế hoạch do phải trích lập dự phòng.
Tỷ lệ nợ xấu là 4,34%, vượt 200% so với kế hoạch đề ra. Tăng trưởng tín dụng đạt 0,51%. VVF dự kiến chi trả cổ tức năm 2012 là 7%.
Về cơ cấu tổ chức, nhân sự: công ty sẽ thành lập thêm một số Ủy ban, Hội đồng trực thuộc, bổ nhiệm Trưởng kiểm toán nội bộ, xem xét kiện toàn lại cơ cấu tổ chức, bộ máy của công ty.
Về chiến lược phát triển, VVF sẽ tiến hành tái cơ cấu lại các khoản cấp tín dụng theo hướng không ưu tiên đối với nhóm khách hàng là công ty con của cổ đông và người có liên quan, mở rộng cung cấp dịch vụ tài chính cho tất cả các đối tượng khách hàng.
Năm 2014 VVF sẽ mở rộng thị trường và năm 2015 sẽ là ngân hàng đầu tư có uy tín, thương hiệu trên thị trường.
Đặc biệt, VVF sẽ nghiên cứu xem xét phương án M&A theo hướng cơ cấu lại các tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, theo đó sẽ tìm kiếm và lựa chọn đối tác có tiềm năng về tài chính, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho công ty.
Ông Hoàng Trọng Đức, Tổng giám đốc của VVF cho biết, VVF không đạt kế hoạch đề ra (chỉ đạt 59%) là do khó khăn chung của toàn hệ thống.
Nợ xấu là một trong số các chủ đề được lãnh đạo VVF liên tục nhấn mạnh. Theo VVF, năm 2012 công ty có tổng hơn 73 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 4,2% tổng dư nợ và vượt xa kế hoạch 2% đã đề ra. Nguyên nhân khiến cho nợ xấu tăng mạnh là do các ngành bất động sản, xây dựng và vận tải biển đều gặp khó khăn lớn như tồn kho cao, mất khả năng thanh khoản trong ngắn hạn. Trong khi đó, cơ cấu cho vay của VVF cho khách hàng thuộc ngành nghề này chiếm đến 93% trên tổng dư nợ.
Về khoản tiền 150 tỷ đồng bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp Vina Megastar mà bên bảo lãnh là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ban kiểm soát công ty cho biết hiện công ty và phía luật sư đang tiến hành làm việc với cả hai bên để khẩn trương giải quyết xong trong thời gian sớm nhất. Các thủ tục, hồ sơ liên quan đến vụ này là hoàn toàn đúng luật và VVF sẽ lấy lại được số tiền đó.
Đối với phương án phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ và chi trả cổ tức cho cổ đông, năm 2012 VVF đạt hơn 83,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. VVF sẽ trích lập quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ (5%) gần 4,2 tỷ đồng; quỹ dự phòng tài chính gần 8,4 tỷ; quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng mỗi quỹ hơn 679 triệu đồng và dành 70 tỷ đồng để chi trả cổ tức năm 2012, tương đương tỷ lệ 7%.
Nguồn CafeF