Vinacomin sẽ bán 35 triệu tấn than trong nước năm 2015
Xuất khẩu than sẽ chỉ còn lại 3 triệu tấn, chiếm chưa đến 8% tổng lượng than được lên kế hoạch tiêu thụ trong năm 2015.
Trước đó, năm 2014, xuất khẩu than của Vinacomin đạt 5,94 triệu tấn và tiêu thụ trong nước đạt 29,6 triệu tấn.
Việc tăng lượng than tiêu thụ nội địa mạnh trong năm 2015 và vài năm trở lại đây có nguyên nhân do nhiều nhà máy nhiệt điện than đã đi vào hoạt động, khiến lượng than tiêu thụ nội địa tăng nhanh.
Khi phân tích khó khăn thuận lợi của Vinacomin năm 2014, ông Đặng Thanh Hải, Tổng giám đốc Vinacomin cho hay, thuận lợi của ngành than hiện nay là nhu cầu than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện tăng. Giá than cho điện đã được điều chỉnh tiến tới theo giá thị trường.
Theo Văn bản 1085/BTC-QLG ngày 31/12/2014 của Bộ Tài Chính, giá than bán cho sản xuất điện từ ngày 1/1/2014 đã tăng 1,2-14,7% tùy từng loại than và từ ngày 22/7/2014 tiếp tục tăng thêm 4-7,4% theo Văn bản 9961/BTC-QLG (ngày 21/7/2014). Hai lần tăng giá này khiến chi phí mua than cho sản xuất điện tăng thêm 2.300 tỷ đồng.
Dù vậy, Vinacomin cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, bởi khai thác ngày càng xuống sâu, chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động, môi trường tăng cao, cung độ vận chuyển tăng và hệ số đất phải bóc để lọc được than cũng tăng, khiến giá thành sản xuất than tăng cao.
"Tuy những năm qua Vinacomin đã đẩy mạnh đổi mới quản trị doanh nghiệp, đổi mới tổ chức, đẩy mạnh đầu tư áp dụng công nghệ mới, nhưng vẫn còn những tồn tại, năng suất những năm gần đây tăng chậm lại, sức cạnh tranh sản phẩm còn thấp, hiệu quả kinh doanh giảm", Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải nhận xét.
Dù chưa rơi vào tình trạng giá than giảm phi mã như giá dầu trong 3 tháng qua, nhưng trong điều kiện kinh tế suy giảm, ngành than trên thế giới gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm nhưng các loại thuế, phí trong nước vẫn tăng cao, khiến lợi nhuận ngành than nội tiếp tục giảm mạnh. Hệ quả là, đầu tư trở lại cho khai thác than theo Quy hoạch đã phê duyệt gặp khó khăn, thu nhập cho thợ lò vì thế cũng chậm được cải thiện, một số đơn vị còn thiếu thợ lò.
Ông Ngô Thế Phiệt, Giám đốc Công ty Than Hà Lầm cho hay, vốn điều lệ của doanh nghiệp trước đây là 93 tỷ đồng và mới nâng lên 232 tỷ đồng, nhưng các dự án đang triển khai có quy mô tới 7.000 tỷ đồng, gây khó khăn lớn trong vấn đề tài chính. Ngoài ra, tiền cấp quyền khai thác của Công ty lên tới 230 tỷ đồng, nếu phải đóng ngay 1 lần như quy định, thì không cách nào xoay xở, gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. Vì thế, phải xin cơ quan chức năng cho đóng theo sản lượng khai thác hàng năm.
Không gọi tên cho chương trình hành động của năm 2015, nhưng có thể thấy rõ quyết tâm giảm chi phí sản xuất để tăng hiệu quả hoạt động đang được Vinacomin nhấn mạnh ngay từ đầu năm.
Việc tăng cường công tác chế biến sâu đất đá lẫn than có giá thành thấp để tăng doanh thu và lợi nhuận; tối ưu hóa các chỉ tiêu công nghệ, tập trung huy động các diện có điều kiện tốt hơn để giảm áp lực giá thành, tăng tỷ lệ thu hồi than, giảm tỷ lệ tổn thất than; đàm phán với các đối tác để giảm đơn giá thuê ngoài, giảm giá mua vật tư, phụ tùng tối đa có thể; tiếp tục rà soát, hoàn thiện công tác điều hành sản xuất, tăng cường công tác quản trị, tiết giảm các định mức vật tư, phụ tùng sửa chữa thường xuyên, chi phí quản lý, sản xuất chung đều nhắm tới việc "tạo văn hóa chi tiêu tiết kiệm" tại Vinacomin.
Ông Đặng Thanh Hải cho hay, tiếp tục đưa công nghệ mới, cơ giới hóa, tự động hóa vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh để nâng cao năng lực sản xuất bên cạnh các giải pháp về tổ chức, quản lý, mục tiêu được đặt ra cho Vinacomin là tăng năng suất lao động chung toàn Tập đoàn tối thiểu 5%/năm (năng suất quy đổi theo điều kiện khai thác) và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Vinacomin cũng đặt mục tiêu tiếp tục tinh giản số lượng lao động, cơ cấu lại lực lượng lao động phụ trợ, phục vụ và lao động quản lý (trước đây gọi là gián tiếp), theo đó số lao động này phải giảm hằng năm 2-6% cho đến khi đạt tỷ lệ phù hợp. Riêng năm 2015 giảm từ 12% xuống 9%.
Đối với lực lượng chủ lực trong ngành than là thợ lò, câu chuyện giảm tỷ lệ thợ lò thôi việc bằng các cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng về điều kiện ăn, ở, đi lại, tiền lương và điều kiện làm việc, trong đó đặc biệt quan tâm tới điều kiện đi lại, làm việc trong lò để an toàn hơn được coi là giải pháp bền lâu trong nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động.
Nguồn Báo Đầu tư