Ảnh: Quý Hòa
Vinacapital xốc lại Nhựa Ngọc Nghĩa
Một liên doanh đầu tư do VinaCapital dẫn đầu đã quyết định tham gia rót vốn vào Công ty Cổ phần Công nghiệp Dịch vụ Thương mại Ngọc Nghĩa (Nhựa Ngọc Nghĩa). Tổng giá trị đầu tư là 21,4 triệu USD. Trong đó, VinaCapital, thông qua quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF), đầu tư ở mức 17 triệu USD. VinaCapital không tiết lộ số cổ phần nắm giữ nhưng cho biết quỹ VOF nhận 2 ghế trong Hội đồng Quản trị của Nhựa Ngọc Nghĩa.
Đây là thông tin được công bố trên DealstreetAsia. Theo ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VOF, “thương vụ này là khoản đầu tư hoàn hảo của VOF vào một công ty hàng đầu thị trường”. Trong đó, Nhựa Ngọc Nghĩa được hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam.
VOF là quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital, với giá trị tài sản ròng (NAV) 920,8 triệu USD tính đến hết tháng 9.2019. Danh mục 10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF hầu hết là những công ty niêm yết dẫn đầu ở Việt Nam như Hòa Phát (HPG), Khang Điền (KDH), ACV, PNJ, Vinamilk (VNM), Đường Quảng Ngãi (QNS), Coteccons (CTD)... Với những khoản đã thoái vốn gần đây, VOF ít nhiều thành công. Điển hình sau 3 năm nắm giữ, VOF đã thoái vốn khỏi Vietjet (VJC) và lãi hơn 40 triệu USD.
Song song đầu tư các cổ phiếu niêm yết, tại Hội nghị Nhà đầu tư năm 2019 của VinaCapital, ông Vương Tuấn Dương, Phó Giám đốc Điều hành VOF, cho biết chiến lược của quỹ này là “đầu tư thương lượng”, tức sở hữu lượng lớn cổ phần trong doanh nghiệp tư nhân và kết nối với Ban điều hành để đi đường dài. VOF đang nghiên cứu đầu tư 21 cơ hội tại các doanh nghiệp tư nhân, có nền tảng tăng trưởng tốt, thuộc các ngành như tiêu dùng, y tế, giáo dục, nguyên vật liệu... Ý định của Quỹ là sẽ đầu tư dài hạn trong thời gian 5 năm và đặt mục tiêu tỉ suất sinh lời trên 15%.
Xét theo tiêu chí này, Nhựa Ngọc Nghĩa phù hợp với khẩu vị mới của quỹ VOF. Nhựa Ngọc Nghĩa hiện dẫn đầu ngành bao bì PET, đạt tốc độ tăng trưởng kép doanh thu hằng năm (CAGR) là 15,3% giai đoạn 2016-2018. Năm 2019, Nhựa Ngọc Nghĩa dự kiến đạt 74 triệu USD doanh thu từ hoạt động kinh doanh PET cốt lõi.
Bao bì PET là thế mạnh của công ty nổi tiếng trong ngành nhựa từ khi thành lập (năm 1993) đến nay. Năng lực của Nhựa Ngọc Nghĩa đã vươn tới 3,7 tỉ khuôn, chai với 3 cơ sở sản xuất. Vì thế, từ lâu Công ty đã tham gia cung cấp bao bì nhựa cho nhiều tên tuổi lớn như Unilever, Coca-Cola, Pepsi, Vinamilk. Mối quan hệ làm ăn này vẫn tiếp tục, hứa hẹn thúc đẩy đà phát triển cho Nhựa Ngọc Nghĩa. Tuy nhiên, lĩnh vực bao bì PET bị cạnh tranh không ít, với sự tham gia của nhiều hãng như Bảo Vân, Hoàng Minh... Ngoài ra, nhiều khách hàng đã thay đổi về chính sách, như đa dạng hóa nhà cung cấp, thay đổi mô hình đối tác... Khó khăn cho Nhựa Ngọc Nghĩa còn liên quan đến biến động giá hạt nhựa PET nhập khẩu. Tất cả đã gây ảnh hưởng đến mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty.
Đây có lẽ là lý do để Nhựa Ngọc Nghĩa từng mở rộng kinh doanh sang mảng thực phẩm như bánh kẹo và nước chấm (nước chấm Kabin, Thái Long). Tuy nhiên, sau khoảng 7 năm lấn sân, Công ty nợ nần, thua lỗ và phải buông tay với mảng thực phẩm. Từ đầu năm 2018, Nhựa Ngọc Nghĩa chính thức chấm dứt mảng thực phẩm để quay về mảng bao bì PET cốt lõi. Sắp tới, chiến lược của Công ty chỉ tập trung vào ngành này, với các công ty con trong chuỗi khép kín bao bì PET là phôi - chai - nắp.
Lãnh đạo Nhựa Ngọc Nghĩa cho biết, để giảm rủi ro từ cạnh tranh thị trường nội địa, Công ty đã và sẽ đẩy mạnh xuất khẩu. Theo báo cáo thường niên, năm 2018, doanh thu xuất khẩu của Nhựa Ngọc Nghĩa chiếm tới 24% tổng doanh thu, tăng 53,3% so với cùng kỳ. Philippines, Campuchia là 2 thị trường xuất khẩu chính, chiếm 59% doanh thu xuất khẩu. Ngoài ra, Nhật, Úc cũng rất quan trọng. Sắp tới, Nhựa Ngọc Nghĩa dự tính tìm kiếm cơ hội tại Đông Nam Á. Đối với thị trường trong nước, Công ty có kế hoạch mở rộng địa bàn ra phía Bắc.
Bà La Bùi Hồng Ngọc, Giám đốc Điều hành Nhựa Ngọc Nghĩa, cho biết, sau khi xem xét hàng loạt lựa chọn đầu tư tài chính, Công ty chọn VinaCapital. Phía Nhựa Ngọc Nghĩa hy vọng VinaCapital không chỉ cung cấp vốn mà sẽ là đối tác hỗ trợ kinh nghiệm, giúp Công ty thực hiện các mục tiêu kinh doanh lâu dài.
Ngoài tìm kiếm trợ lực từ nhóm VinaCapital, mới đây, Nhựa Ngọc Nghĩa cũng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 29 triệu cổ phiếu, theo giá 17.053 đồng/cổ phiếu (cao hơn thị giá đến 44%), cho mục tiêu huy động hơn 500 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu đầu tư giai đoạn 2020-2022. Nhựa Ngọc Nghĩa dự tính sẽ dùng 200 tỉ đồng bổ sung vốn lưu động cũng như cơ cấu nợ; còn hơn 300 tỉ đồng sẽ chi cho đầu tư máy móc thiết bị, gia tăng công suất sản xuất. Công ty dự tính sẽ đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất phôi, chai ở Củ Chi, Tây Ninh, đầu tư nhà máy ở miền Bắc cũng như đầu tư hệ thống sản xuất phôi theo công nghệ mới để tăng năng suất, mở rộng thị trường.
Những cái bắt tay hợp tác là để hiện thực hóa các kế hoạch, mục tiêu đặt ra. Cả Nhựa Ngọc Nghĩa lẫn VinaCapital đều lạc quan với thương vụ, nhất là khi nhìn về triển vọng ngành. BMI cho rằng, mảng thực phẩm và đồ uống không cồn ước tăng 11% năm 2019 và đây sẽ là động lực cho tăng trưởng bao bì PET.