Thứ Năm | 17/10/2013 16:43

VinaCapital: VN-Index cuối năm 2013 dự kiến khoảng 500-530 điểm

VinaCapital cho rằng sẽ xuất hiện cơ hội đầu tư khi các tín hiệu ổn định quay trở lại, GDP tăng trưởng tốt hơn vào nửa sau 2013.
Ngày 17/10, hội nghị thường niên các nhà đầu tư VinaCapital 2013 đã diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Phát biểu với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn và tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

3 khâu đột phá chiến lược mà Việt Nam sẽ thực hiện đến năm 2020 bao gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Về vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ vừa mới ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Theo đó, một loạt các giải pháp cơ bản, toàn diện sẽ được các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thể chế, chính sách cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như tạo một môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư mới đang có ý định hoặc tìm kiếm cơ hộ làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, vừa qua đã có những bước chuyển biến hết sức mạnh mẽ và đạt kết quả tích cực bước đầu.

Đáp lại sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với việc mua nợ xấu của Việt Nam nhưng vẫn còn vướng mắc cơ chế, Phó Thủ tướng cho biết các bộ ngành đang xem xét hoàn thiện khung pháp lý. Phó Thủ tướng hy vọng thông qua VinaCapital, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đóng góp ý kiến để cơ chế chính sách của Việt Nam được hoàn thiện hơn.

Đánh giá về môi trường đầu tư của Việt Nam, ông Andy Ho, giám đốc điều hành VinaCapital, cho biết các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2013 khá ổn định thể hiện qua việc GDP 2013 dự kiến tăng 5,3%, CPI dự kiến tăng 6,5%, thâm hụt cán cân thương mại 4 tỷ USD, tăng trưởng tín dụng dự kiến 10%.

Biến động tỷ giá là mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Andy Ho, trong 18 tháng vừa qua, VND là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao nhất so với những đồng tiền trong khu vực cũng như của các thị trường mới nổi khác. Từ đầu năm 2013, đồng Yên đã mất giá 13,6% trong khi đó VND chỉ mất giá 1,27%.

Dự đoán về các cơ hội đầu tư cổ phiếu trong năm 2014, ông Andy Ho cho biết, những doanh nghiệp Việt Nam thuộc các lĩnh vực phòng vệ như hàng tiêu dùng, y tế, và nông nghiệp sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận rất khả quan.

Nền kinh tế toàn cầu đã ổn định hơn nhờ vào những tiến triển nổi bật trong quá trình xử lý khủng hoảng nợ tại châu Âu và sự phục hồi kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, việc cắt giảm gói nới lỏng định lượng (QE III) có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đối với Việt Nam và các thị trường mới nổi khác.

Do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và vấn đề nợ xấu, thị trường có thể tăng nhẹ lên trên mức 500 điểm vào thời điểm cuối năm 2013, nếu khả quan hơn thị trường có thể tăng lên mức 530 điểm.

VinaCapital cho rằng sẽ xuất hiện cơ hội đầu tư khi các tín hiệu ổn định quay trở lại, GDP tăng trưởng tốt hơn vào nửa sau 2013, giảm lãi suất và tăng trưởng tín dụng tốt hỗ trợ việc mở rộng kinh doanh đồng thời chính phủ giải quyết hiệu quả vấn đề nợ xấu.

Về các quỹ đầu tư của VinaCapital, ông Andy Ho cho biết, quỹ VOF tính đến ngày 30/9/2013 có giá trị tài sản ròng ở mức 753 triệu USD. VOF được đánh giá là một trong các chứng chỉ quỹ có thanh khoản tốt nhất của sàn London AIM.

Mức chiết khấu của VOF từ 42% vào tháng 11/2011 đã giảm xuống 31,4% vào ngày 30/9/2013 nhờ chương trình mua lại chứng chỉ quỹ. Kể từ tháng 11/2011 đến 30/9/2013 quỹ đã chi 137,3 triệu USD để mua lại 74,2 triệu chứng chỉ quỹ tức 22,8% số chứng chỉ đang lưu hành. Andy Ho cho biết chương trình mua chứng chỉ quỹ là một hình thức trả cổ tức cho cổ đông, thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt cổ đông phải đóng thuế thì VOF mua lại chứng chỉ quỹ nhằm đẩy giá chứng chỉ quỹ tăng lên.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện