VinaCapital thu về 320 triệu USD nhờ thoái vốn 18 thương vụ
Tại hội nghị các nhà đầu tư thường niên 2015 của Tập đoàn VinaCapital, Giám đốc điều hành Andy Ho chia sẻ bên cạnh 18 thương vụ thoái vốn toàn phần còn có 8 thương vụ thoái vốn một phần, có tỷ suất sinh lợi nội bộ đạt 21%. Hiện VOF còn 8 khoản thoái vốn chưa thực hiện với giá trị 167 triệu USD.
Trong năm tài chính 2015 của VOF, lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân chiếm 9,9%, cao nhất so với cổ phiếu niêm yết (0,8%), trái phiếu (4,6%), các dự án khách sạn 4,5% trong khi cổ phiếu niêm yết ở nước ngoài và bất động sản lỗ 3-10%. Nếu thống kê 3 năm qua, đầu tư cổ phiếu niêm yết tăng 7,8%, còn qua 5 năm, đầu tư cổ phần tư nhân có mức lợi nhuận dẫn đầu, đạt 22,6%.
Ông Andy Ho cho biết, chiến lược của VOF trong tương lai chia thành hai xu hướng chính. Thứ nhất, tập trung vào các lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa. Trong đó F&B (thực phẩm và đồ uống) kỳ vọng đạt hiệu qủa tốt vì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ lạm phát thấp, khả năng chi tiêu tốt hơn. Đầu tư gián tiếp vào bất động sản vì lãi suất tiền gửi thấp. Các lĩnh vực khác: giáo dục, y tế, truyền thông, logistics, vật liệu xây dựng.
Thứ hai là tăng các khoản đầu tư cổ phần tư nhân và OTC. VOF tiếp tục tìm kiếm, nắm bắt các cơ hội đầu tư cổ phần tư nhân với giá trị 10-40 triệu USD và một số doanh nghiệp đầu ngành đang tìm kiếm nhà đầu tư vào cổ phần thiểu số/không chi phối; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tạo ra nhiều cơ hội để tái xây dựng danh mục đầu tư OTC.
Ngoài ra, VOF cũng hướng đến chiến lược đầu tư tăng tổng giá trị tài sản quản lý. Các thương vụ được thỏa thuận riêng, đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân và niêm yết. Tập trung vào cổ phần của các công ty niêm yết với nền tảng vững chắc, có cơ hội thực hiện M&A, cân bằng lại danh mục đầu tư bất động sản, tập trung vào công ty thay vì dự án như trước đây. Tích cực tìm kiếm cơ hội thoái vốn các tài sản khác đã chin muồi với mức giá cao hơn giá thị trường.
Đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam, lãnh đạo VinaCapital cho hay, tiềm năng rất lớn vì Chính phủ đang ngày càng hướng đến những cải cách sâu rộng trong kênh đầu tư này. Nếu so với các thị trường chứng khoán tương tự: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Philippines thì chứng khoán Việt Nam giữ được sự ổn định nhất, chỉ giảm 1,8% trong khi các thị trường khác giảm 2,5-23,7%.
Riêng về quỹ đầu tư bất động sản VinaLand của tập đoàn cũng được đánh giá hứa hẹn gặt hái thành công trong thời gian tới. Hiện VinaLand có tỷ trọng đầu tư tại khu vực phía Nam chiếm 64,2%, trong khi miền Trung chiếm 27,5% và Hà Nội là 8,3%.
Nguồn VnExpress