VinaCapital sẽ không thoái vốn khỏi Việt Nam
Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt là các nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản. Theo số liệu của VinaCapital, số lượng các nhà đầu tư đăng ký tham gia là lớn nhất ghi nhận được từ trước đến nay trong các hoạt động tương tự của tập đoàn. Đặc biệt, Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với bài phát biểu về tiềm năng của thị trường Việt Nam tới các nhà đầu tư nước ngoài
Ngoài việc cung cấp thông tin về các cơ hội nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, thì các nhà đầu tư trong nước sẽ cũng rất chú ý bởi dòng vốn ngoại đang có vai trò dẫn dắt thị trường chứng khoán trong nước.
Bên lề hội nghị, trả lời câu hỏi về việc các quỹ VinaCapital gần đây công bố nhiều thương vụ thoái vốn tại Việt Nam, như gần đây nhất là thoái vốn khỏi Bảo vệ thực vật An Giang, liệu việc thoái vốn này có nhằm chuyển đầu tư sang những thị trường mới nhiều tiềm năng như Myanmar hay không, CEO VinaCapital, ông Don Lam khẳng định thông tin này không chính xác.
Ông Don Lam cho biết, các quỹ đầu tư thuộc VinaCapital là quỹ đóng, nên sau khi thoái vốn sẽ tiếp tục đầu tư vào các thương vụ khác cũng tại Việt Nam. Để đầu tư tại các thị trường mới, chẳng hạn như Myanmar, VinaCapital sẽ thành lập các quỹ đầu tư mới hoàn toàn.
VinaCapital hiện đang quản lý 3 quỹ dạng đóng niêm yết tại thị trường chứng khoán London (AIM) là Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF), VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Infrastructure Limited (VNI). Giá trị tài sản ròng của VOF tới cuối tháng 8/2014 là 831,8 triệu USD, của VNL là 421,2 triệu USD và của VNI là 231,4 triệu USD.
VinaCapital cũng đồng quản lý quỹ đầu tư công nghệ DFJ VinaCapital L.P, cùng với Draper Fisher Jurvetson.
Riêng về quỹ VNI chuyên đầu tư về hạ tầng đang xin ý kiến cổ đông chuyển sang quỹ mở thì chỉ nhằm thu hút thêm nhà đầu tư chứ không phải thoái vốn ra khỏi Việt Nam.
Về xu hướng huy động vốn ngoại thời gian gần đây, nhà điều hành của một công ty quản lý quỹ với quy mô hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam cho biết, vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam chủ yếu theo xu hướng quản lý tài sản cho các nhà đầu tư cá nhân hoặc các nhà đầu tư tổ chức lớn lớn (distribution investor) thay vì thông qua thành lập các quỹ mới. Không tiết lộ con số cụ thể, nhưng vị này cho biết, quỹ đang quản lý hàng trăm triệu USD nguồn vốn này.
Ông Don Lam cũng khẳng định, ngoài các quỹ lớn mà VinaCapital đang quản lý, đơn vị này cũng quản lý các khoản đầu tư khác theo hình thức hợp tác đầu tư. Hình thức đầu tư này gần đây thu hút nhiều vốn hơn so với thông qua hình thức thông thường là lập các quỹ đầu tư mới.
Theo đó, nếu như các nhà đầu tư bỏ tiền vào các quỹ với mức trung bình là 1-2 triệu USD thì các nhà đầu tư theo hình thức hợp tác đầu tư sẽ bỏ từ 50 -100 triệu USD.
Các nhà đầu theo hình thức này sẽ đưa ra yêu cầu chi tiết về lĩnh vực hay tiêu chí đầu tư của họ và VinaCapital sẽ giới thiệu các dự án phù hợp (club deal), quản lý, theo dõi và báo cáo hàng tháng tiến trình đầu tư.
Điều thuận lợi của hình thức đầu tư này là không cần mất nhiều thời gian thông qua ý kiến của nhiều cổ đông mà chỉ trao đổi với nhà đầu tư lớn. Các đơn vị quản lý sẽ có 2 nguồn thu nhập là phí theo dõi hàng năm và phần phân chia lợi nhuận khi thực hiện thoái vốn.
CEO của VinaCapital cũng cho biết, tổng tài sản mà đơn vị này đang quản lý là 1,8 tỷ USD, trong đó, NAV của các quỹ dao động từ 1,5 - 1,6 tỷ USD và còn lại, hơn 200 triệu USD là hợp tác đầu tư.
Hội nghị lần này cũng bao gồm các chuyến tham quan các doanh nghiệp và dự án thuộc danh mục đầu tư của các quỹ do VinaCapital quản lý, và chuyến thăm đặc biệt đến Myanmar dành cho các nhà đầu tư đang quan tâm đến những cơ hội đầu tư tại đất nước vừa mở cửa này.
Nguồn Theo DVO