VinaCapital: Giá trị tài sản ròng 2 quỹ giảm hơn 13 triệu USD tháng 7
Tuy nhiên, nhờ việc mua cổ phiếu quỹ trong tháng nên giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ VOF và VNI cuối tháng 7 vẫn tương đương cuối tháng 6, lần lượt ở mức 2,4 USD/chứng chỉ quỹ và 0,52 USD/chứng chỉ quỹ.
Chính nhờ vào chương trình mua cổ phiếu quỹ này, tỷ lệ chiết khấu (chênh lệch giữa giá trị tài sản ròng và giá chứng chỉ quỹ trên thị trường chứng khoán) không bị nới quá rộng. Cuối tháng 7, tỷ lệ chiết khấu của VOF và VNI lần lượt ở mức 35,4% và 53,8%.
Hiện VOF là quỹ ngoại lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, quỹ này đang nắm giữ những cổ phiếu bluechip như VNM (7,6% NAV), EIB (7,5% NAV), KDC (3,7% NAV), HPG (2,6% NAV) và PNJ (2,1% NAV) - số liệu tính đến ngày 30/6.
Trong khi đó, VNI là quỹ chuyên đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tại ngày 30/6, quỹ cũng nắm giữ một số cổ phiếu đang niêm yết như CII (3% NAV), PVS (2,3% NAV), HPG (2% NAV) và DIG (1,7% NAV).
Tổng tiền mặt của VOF, VNI tại ngày 30/6 là hơn 70,5 triệu USD.
Riêng quỹ VNL, do giá trị tài sản ròng của quỹ này được cập nhật mỗi quý một lần nên tháng 7 không có báo cáo về giá trị tài sản ròng. Kết thúc tháng 6, giá trị tài sản ròng của VNL đạt 560,3 triệu USD, giảm 1,7% so với cuối tháng 3.
Trong quý, giá chứng chỉ quỹ này trên thị trường chứng khoán London giảm tới 18,6%, đóng cửa ngày 30/6 ở mức 0,48 USD/chứng chỉ quỹ, thấp hơn giá trị tài sản ròng 57,9%.
Quý II, VNL cũng tiến hành mua cổ phiếu quỹ, nâng lượng cổ phiếu quỹ đang nắm giữ lên hơn 9 triệu cổ phần, tương đương 1,8% lượng cổ phiếu đã phát hành. Tính tổng từ trước tới nay, VNL đã chi 5,4 triệu USD để mua cổ phiếu quỹ, giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành xuống gần 491 triệu cổ phần.
Trong kỳ, VNL thực hiện đánh giá lại tài sản 17 dự án tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An , trong số này, có 6 dự án bị đánh giá giảm giá trị, 9 dự án tăng giá trị và 2 dự án không đổi so với quý trước.
Nguồn Khampha/VinaCapital