Thứ Năm | 17/04/2014 13:53

VinaCapital: Cổ phần hóa DNNN - Cơ hội thứ 2 cho nhà đầu tư ngoại

Nhà đầu tư ngoại cho rằng đẩy nhanh cổ phần hóa DNNN là cơ hội thứ 2 của họ mặc dù vẫn còn một số lo ngại.
Theo VinaCapital, nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết 15 của Chính phủ về đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Họ cho rằng, đây là cơ hội thứ 2 để hưởng lợi từ việc tham gia vào quá trình này.

Động lực đằng sau tâm lý lạc quan của nhà đầu tư ngoại chính là sự cải thiện môi trường thị trường của Việt Nam. Với các điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, VN Index tăng 23% trong năm 2013 và tiếp tục tăng 19% trong quý I năm nay.

Sau cổ phần hóa, vốn hóa của các doanh nghiệp lớn như Vietnam Airlines, Vinatex sẽ đứng ở top đầu thị trường và giúp họ được xếp vào nhóm cổ phiếu blue-chip và lọt vào danh mục đầu tư của các nhà đầu tư ngoại lớn đặc biệt là các quỹ ETF như Market Vectors và Van Eyck.

Những nhà đầu tư này thích thú với những cổ phiếu của công ty có vốn hóa lớn trên thị trường bởi nhiều công ty blue-chip như VNM và FPT gần trở nên bão hòa với nhà đầu tư ngoại.

Theo VinaCapital, sự quan tâm của nhà đầu tư đến thị trường chứng khoán Việt Nam tăng mạnh vào năm 2013 và tiếp tục trong năm 2014. Ngay cả các chuyên gia phân tích theo trường phái bi quan như Marc Faber cũng bày tỏ sự lạc quan vào sự hướng đi lên của thị trường chứng khoán Việt Nam, sự lạc quan ấy thể hiện rõ qua danh mục đầu tư của họ.

Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại một số vấn đề như tính minh bạch trong hoạt động, báo cáo tài chính cũng như việc định giá doanh nghiệp. Định giá là phần phức tạp nhất của quá trình cổ phần hóa và nên do các chuyên gia tư vấn trong ngành tiến hành.

Hiện nay, giá trị của doanh nghiệp cần phải được điều chỉnh giảm xuống để phù hợp với thực trạng nền kinh tế. Trước kia, giám đốc các DNNN định giá doanh nghiệp dựa trên những kỳ vọng có phần không thực tế.

Nhà đầu tư ngoại đặc biệt quan tâm đến tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước nắm giữ sau cổ phần hóa. Theo Nghị quyết 15, tỷ lệ này không được phép vượt 65%. Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết, nhà đầu tư ngoại cho rằng tỷ lệ này vẫn còn quá lớn bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tiếng nói của họ trong vấn đề quản trị của công ty.

Những vấn đề như bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, chia cổ tức, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, cải tổ đội ngũ lao động đều là những yếu tố quan trọng mà nhà đầu tư ngoại quan tâm khi đưa ra quyết định có mua cổ phần của một DNNN nào đó hay không.

Ví dụ để thấy rõ nhất lo ngại này đó là Sabeco tuy đã cổ phần hóa gần 8 năm nhưng Nhà nước vẫn nắm 89% cổ phần, Petrolimex cổ phần hóa 2 năm nay nhưng 95% cổ phần vẫn do Nhà nước nắm.

Nguồn Gafin/VinaCapital/NCĐT


Sự kiện