Dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng Viglacera đang đối mặt với áp lực nợ nần. Ảnh: Thanh Hằng

 
Thanh Tùng Thứ Sáu | 08/06/2018 09:00

Viglacera chờ giá đỉnh để thoái vốn

Đại diện Bộ Xây dựng làm rõ là “trường hợp không thoái được vốn ở mức giá tối thiểu như trên thì sẽ không bán..."

Sau những đợt thoái vốn thành công vừa qua, năm 2018, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước khác. Trong đó có Tổng Công ty Viglacera (VGC), một công ty có lợi nhuận trước thuế hằng năm quanh mức 800 tỉ đồng so với vốn điều lệ 4.500 tỉ đồng.

Tiền tươi từ bất động sản Là một doanh nghiệp do Bộ Xây dựng nắm quyền chi phối, VGC có hoạt động kinh doanh khá đa dạng gồm kinh doanh bất động sản và các sản phẩm trong ngành vật liệu xây dựng, như gạch, sứ, kính xây dựng… Ở mảng bất động sản, VGC phát triển cả khu công nghiệp lẫn bất động sản dân cư, biên lợi nhuận gộp của ngành này khoảng 15-20%. Theo số liệu của VGC, hiện tại, Công ty có 3.133ha diện tích khu công nghiệp, Công ty đã cho thuê gần 63% diện tích trên, với giá thuê thấp nhất ở mức 18 USD/ m2 và cao nhất là 80-84 USD/ m2 .

 Cho đến nay, các khu công nghiệp này đã thu hút được các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan... Trong đó, tiêu biểu là Khu công nghiệp Yên Phong có diện tích 658ha (giá thuê khoảng 70-84 USD/m2 ). Hiện tại, chỉ riêng khu công nghiệp này đã có 90 doanh nghiệp hoạt động. Ngoài ra, VGC còn kinh doanh trong lĩnh vực khu đô thị, nhà ở với tổng diện tích đã và đang triển khai là 193,5ha. Các dự án tiêu biểu là tổ hợp chung cư cao cấp Thăng Long số 1 và Khu nhà ở 671 Hoàng Hoa Thám.

Ở mảng kinh doanh vật liệu xây dựng, VGC có thị phần khá tốt, biên lợi nhuận khoảng 20%. Mảng kinh doanh vật liệu xây dựng của VGC sẽ đối mặt với cạnh tranh gay gắt hơn trong năm nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, Công ty dự kiến sẽ mở rộng các mảng kính xây dựng, gạch ốp lát và sứ vệ sinh sen vòi, trong khi giảm tỉ trọng mảng gạch ngói đất sét nung, với định hướng tập trung phát triển các loại vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, vật liệu tiết kiệm năng lượng.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định triển vọng VGC năm 2018 có phần trái chiều với những thông tin tốt xen lẫn bất lợi. Thông tin tích cực là triển vọng tăng trưởng cao trong ngành gạch ốp lát, sứ vệ sinh. Tuy nhiên, nhiều khả năng giá kính xây dựng giảm sẽ ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận chung của VGC. Về hoạt động khu công nghiệp, triển vọng rất khả quan. VDSC cho rằng VGC sẽ tiếp tục ghi nhận dòng tiền ổn định và vững chắc, chủ yếu đến từ hai dự án tâm điểm hiện nay là khu Yên Phong mở rộng và khu Đồng Văn IV.

Trong quý I/2018, VGC chỉ đạt 1.637 tỉ đồng doanh thu hợp nhất và 144,3 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, bằng 80% doanh thu và 59% lợi nhuận cùng kỳ năm trước. Theo lý giải của Ban lãnh đạo Công ty, thị trường năm 2018 sẽ có nhiều khó khăn hơn, mảng kính xây dựng và mảng gạch ốp lát đối mặt với lượng cung tăng đột biến trên thị trường. Đáng chú ý, lợi nhuận tăng mạnh nhưng Viglacera đang đối diện với áp lực nợ nần. Tại thời điểm 31.12.2017, tổng nợ phải trả của Viglacera là 9.315 tỉ đồng, gấp 1,4 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay chiếm tỉ trọng lớn. 

Viglacera cho gia dinh de thoai von
 

Năm 2018, VGC sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước từ 53,97% xuống 36% và về 0% trong năm sau. Sau thành công của những đợt thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2017 như Vinamilk hay Sabeco, tiến trình thoái vốn nhà nước năm 2018 dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó có VGC. Giống như các đợt thoái vốn trước, VGC thực sự cần thu hút một nhà đầu tư chiến lược để giữ vai trò cầm trịch trong việc quản trị doanh nghiệp sau khi Nhà nước thoái vốn hoàn toàn.

Tuy nhiên, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VGC, cho biết: “Không tìm đối tác chiến lược, bởi VGC có 2 mảng kinh doanh với tổng cộng 6 nhóm nhỏ, không thể có đối tác chiến lược nào có thể đầu tư sâu tất cả mảng của VGC. Đợt chào bán này được thực hiện rộng rãi cho mọi nhà đầu tư có tiềm lực”. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán MB, việc thoái vốn sẽ giúp VGC hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư chiến lược.

Điều này có thể tạo ra những thay đổi về năng lực quản trị, hiệu quả sử dụng vốn và hệ thống sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh yếu tố minh bạch của Công ty. Đồng thời, thoái vốn sẽ giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận hiện đang ở mức khoảng 20%. Tuy nhiên, thoái vốn cũng có thể khiến VGC mất đi phần nào lợi thế về tiêu thụ tại các công trình xây dựng có vốn nhà nước cũng như các lợi thế liên quan đến bất động sản.

Về phương thức thoái vốn, VGC sẽ không tiến hành đấu giá mà sẽ thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với giá thoái vốn là giá trần của ngày giao dịch, nhưng tối thiểu phải là 26.100 đồng/ cổ phần và không thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin.

So sánh trên góc độ định giá thị trường hiện nay cũng như thu nhập dự phóng (EPS) của cổ phiếu VGC năm 2018 là khoảng 1.600 đồng, mức giá 26.100 đồng/cổ phiếu không phải quá đắt khi P/E (thị giá/ thu nhập mỗi cổ phiếu) vào khoảng 16 lần (P/E trung bình của cả thị trường tính đến hết ngày 28.5 vào khoảng 15 lần).

Tuy nhiên, về triển vọng bứt phá, ngay chính VGC còn kém tự tin khi dữ liệu đầu vào là triển vọng kinh doanh các năm tới cung cấp cho đơn vị định giá để tính theo phương pháp chiết khấu dòng tiền chỉ cho ra giá VGC khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu. Chia sẻ tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng làm rõ là “trường hợp không thoái được vốn ở mức giá tối thiểu như trên thì sẽ không bán để đảm bảo giá trị doanh nghiệp và phù hợp quy định pháp luật về thoái vốn nhà nước”.

Nếu cần thiết, Bộ sẽ xây dựng lại phương án thoái vốn, làm các thủ tục thoái vốn và đẩy số cổ phần “ế” cho đợt bán vốn năm 2019. Việc thoái vốn tại VGC được giới phân tích nhìn nhận sẽ không hề dễ dàng, ngoại trừ kịch bản bên bán đã xác định được nhà đầu tư sẽ mua lượng lớn cổ phần từ trước khi phiên khớp lệnh diễn ra. Giới đầu tư so sánh đợt thoái vốn VGC lần này giống với đợt thoái vốn Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) vào năm 2017. Thành công trong đợt thoái vốn DIG là cơ sở để Bộ Xây dựng tự tin vào đợt thoái vốn VGC lần này.

Họ nhận định với việc chỉ thoái 17% vốn thì nhóm đầu tư ngành sẽ không hứng thú mà chỉ có thể là các cổ đông hiện tại của VGC muốn mua, trong đó có nhóm Dragon Capital. Quỹ đầu tư này cũng tham gia mua vào khi Bộ Xây dựng thoái vốn ở DIG. Liệu có nhà đầu tư nước ngoài nào quan tâm đến VGC như vậy?