Ảnh: QH

 
Ngọc Thủy Thứ Ba | 15/10/2019 10:00

Vietravel có cất cánh?

Vietravel lên sàn với tham vọng trở thành tập đoàn đa ngành với lõi là mảng du lịch.

C uối tháng 9 vừa qua, hơn 12,6 triệu cổ phiếu VTR của Công ty Du lịch Vietravel đã chính thức niêm yết tại UPCoM. Ở thời điểm chào sàn, Vietravel được định giá hơn 500 tỉ đồng, với giá tham chiếu 40.000 đồng/cổ phiếu. Trải qua 4 phiên tăng trần liên tục (27.9-2.10), cổ phiếu VTR đã tăng giá hơn gấp đôi, lên 85.100 đồng/cổ phiếu, giúp không ít nhà đầu tư chốt lời đáng kể. Tuy nhiên, từ phiên thứ 5 trở đi, diễn biến cổ phiếu VTR đổi chiều, sụt giảm mạnh và hiện dừng ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu (ngày 10.10).

Phụ thuộc mảng lữ hành

Theo bản cáo bạch, Vietravel là hãng lữ hành nổi tiếng ở Việt Nam, hoạt động từ năm 1992. Ngoài Saigontourist, khó tìm thấy cái tên nào có thể so kè với Vietravel về quy mô thị phần và doanh số. Năm 2018, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 7.200 tỉ đồng, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vì doanh thu của Vietravel chủ yếu từ hoạt động lữ hành, tức làm trung gian “lấy công làm lời” nên lợi nhuận sau thuế của Vietravel rất thấp, chỉ đạt 58 tỉ đồng năm 2018 với biên lợi nhuận sau thuế chưa tới 1%.

Trong khi đó, dù cùng hoạt động trong ngành du lịch lữ hành và có doanh thu thuần năm 2018 thấp hơn Vietravel (chỉ 6.651 tỉ đồng) nhưng Saigontourist lại ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 983 tỉ đồng. Tính ra, biên lợi nhuận ròng của Saigontourist xấp xỉ 14,8%. Đây là lý do, Vietravel chưa thực sự ghi điểm trong mắt giới đầu tư.

 

Thực tế, Saigontourist có kết quả lợi nhuận ấn tượng hơn Vietravel vì cơ cấu doanh thu của công ty này không phụ thuộc vào hoạt động lữ hành. Bên cạnh mảng lữ hành, Saigontourist còn kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng ngủ hay cho thuê mặt bằng. Đó là chưa nói đến các khoản doanh thu tài chính nhờ góp vốn vào những khách sạn hạng sang.

Vietravel muốn đi theo cách thức như Saigontourist. Trong chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, nhấn mạnh: “Muốn gia tăng biên lợi nhuận, Vietravel phải mở rộng kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch”.

Theo kế hoạch, Vietravel sẽ hoàn thiện hệ sinh thái với hệ thống lưu trú, khách sạn, nhà hàng, hệ thống vận chuyển... Công ty dự kiến sẽ đầu tư mạnh vào đây, để đến năm 2022 đạt biên lợi nhuận trên 10%. Trước mắt, Vietravel đang xây dựng trang thương mại điện tử Estore, nơi bán hàng online cho tất cả khách du lịch. Vietravel cũng đang tiến hành mua cổ phần tại một số khách sạn 4-5 sao ở Nghệ An, Đà Nẵng, Huế và một số tỉnh thành khác.

Trong chiến lược trung và dài hạn, Vietravel sẽ gia tăng độ phủ bằng cách mở thêm nhiều văn phòng/chi nhánh trong và ngoài nước, từ 63 văn phòng/chi nhánh hiện tại. Vietravel dự tính mở rộng thị trường sang Anh (London), Dubai... bên cạnh các thị trường như Mỹ, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Úc, Pháp, Hàn Quốc và Nhật...

Ẩn số hàng không

Đình đám hơn cả, Vietravel quyết định nhảy vào lĩnh vực hàng không, với việc thành lập Hãng hàng không Vietravel Airlines. Vừa qua, Vietravel đã hoàn tất việc gọi vốn 700 tỉ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ, để bơm vốn cho hãng bay mới mẻ này. Vietravel Airlines dự tính sẽ chính thức cất cánh từ quý II/2020.

 

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Vietravel Airlines đã nhận được sự ủng hộ từ Cục Hàng không và đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét. Vietravel cũng có lượng khách du lịch tương đối ổn định, gần 1 triệu lượt mỗi năm và sẽ tăng lên 2 triệu lượt vào năm 2022. Ngoài ra, Vietravel chọn Phú Bài làm sân bay căn cứ nên sẽ không tạo áp lực quá tải lên các sân bay quốc tế khác như Tân Sơn Nhất, Nội Bài. Vietravel chọn ngách mới là cung cấp chuyến bay thuê chuyến (charter), một lĩnh vực Công ty có lợi thế. Theo kế hoạch, sang năm thứ 5, Hãng sẽ nâng tổng số máy bay khai thác lên 8 chiếc.

Kế hoạch tham vọng là thế nhưng nỗi lo cho Vietravel cũng không ít. Với đợt huy động 700 tỉ đồng trái phiếu, Vietravel sẽ gánh thêm áp lực trả lãi. Trong tình cảnh Vietravel chưa bao giờ lãi trên 60 tỉ đồng thì mức lãi suất 9,25%/năm trong 15 tháng đầu và 11%/năm kể từ sau đó dễ đẩy Vietravel vào khó khăn tài chính.

Đối với hoạt động xem xét cấp phép, Bộ Giao thông Vận tải mới đây cho rằng “mô hình tiềm ẩn khó khăn khi chọn mạng lưới bay chủ yếu ở các sân bay thứ cấp”. Bởi khách du lịch thường xuất phát từ các trung tâm như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cam Ranh. Trường hợp Vietravel Airlines khai thác chuyến bay charter không hiệu quả, chuyển sang khai thác thường lệ và sử dụng các sân bay lớn thì việc xin đậu máy bay qua đêm ở các sân bay lớn, xin các slot (giờ cất, hạ cánh) là rất khó khăn. Vì thế, Bộ khuyến cáo, Vietravel Airlines cần xây dựng mạng lưới đường bay phù hợp với kết cấu hạ tầng trong trường hợp có khai thác thường lệ, tính toán các đường bay quốc tế đi/đến Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật... hợp với slot của cảng hàng không chính tại các nước này.

 

Giới phân tích còn lo ngại về tiềm lực tài chính của Vietravel. Theo bản cáo bạch, vốn chủ sở hữu của Công ty cuối quý I/2019 chỉ khoảng 235 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 1.368 tỉ đồng. So với những tên tuổi đầu tư vào hàng không như Sovico (đầu tư Vietjet), BIM Group (Air Mekong), Thiên Minh Group (Hải Âu Aviation), FLC Group (Bamboo Airways), Saigontourist (đầu tư vào Jetstar Pacific) thì năng lực tài chính của Vietravel rất khiêm tốn. Trong khi đó, ông Kỳ từng bày tỏ quan điểm, Vietravel không huy động vốn ngoại để đầu tư hàng không.

Ở Vietravel hiện không có cổ đông nước ngoài. Ông Nguyễn Quốc Kỳ là cổ đông lớn thứ 2, nắm 9,07% vốn điều lệ  tại Vietravel. Cổ đông lớn nhất là Công ty Du lịch và lữ hành Quốc tế Sài Gòn (Sài Gòn Travel) nắm 16,22%. Với những khó khăn kể trên, dù du lịch tại Việt Nam là ngành tăng trưởng 2 con số và đến năm 2025 nguồn thu từ khách du lịch có thể đạt tới 45 tỉ USD, thì chặng đường phát triển của Vietravel, hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành về du lịch sẽ còn cần thời gian. Sức hấp dẫn của cổ phiếu VTR  sẽ tùy thuộc vào sự thay đổi, bứt phá và những cơ hội, hiệu quả từ các mảng mở rộng.