Zing
Vietnam Beverage chính thức sở hữu hơn 53% cổ phần Sabeco
→Muốn mua Vinamilk và Sabeco, tỷ phú Thái sẽ thống trị ngành đồ uống Việt Nam?
Chiều ngày 18.12, phiên đấu giá cạnh tranh 53,59% vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB) diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Chỉ có 2 lệnh đặt, trong đó một lệnh đặt mua 20.000 cổ phiếu với giá đặt 320.500 đồng/CP, lệnh còn lại đặt mua toàn bộ số lượng cổ phiếu mà Bộ Công Thương chào bán là 343.662.587, tương ứng 53,59% vốn SAB, với giá đặt 320.000 đồng/CP.
Kết quả, giá trúng đấu giá bình quân là 320.000 đồng/CP. Nhà đầu tư cá nhân đã mua được 20.000 cổ phiếu đăng ký trước đó với giá 320.500 đồng/CP, còn nhà đầu tư tổ chức đăng ký mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu, giá trúng thầu 320.000 đồng/cp.
Sau phiên đấu giá thành công, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ chi phối trên 53% tại SAB. Thông qua đợt đấu giá, nhà nước đã thu về 110.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,8 tỷ USD.
Trước đó, ngày 17.12, theo thông báo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đã có 2 nhà đầu tư gồm một tổ chức trong nước và một cá nhân trong nước đăng ký mua toàn bộ hơn 343,682.587 cổ phần tại Sabeco.
Trong đó, nhà đầu tư cá nhân đã đặt cọc 640 triệu đồng (tương đương mua 20.000 cổ phiếu) tại Sabeco. Còn tổ chức đặt cọc mua là Công ty TNHH Vietnam Beverage với số tiền bảo lãnh gần 485 triệu USD.
Vietnam Beverage là một công ty vừa mới được thành lập vào tháng 10.2017, với vốn điều lệ 681,6 tỷ đồng. Thai Beverage của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi sở hữu 49% cổ phần công ty F&B Alliance Việt Nam, công ty sở hữu 100% vốn của Vietnam Beverage.
Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần của Sabeco. Tuy nhiên, Vietnam Beverage là công ty nội và không bị mức trần trên khống chế.
Về mức giá trúng thầu, ông Marc Djandji, người đứng đầu bộ phận khách hàng tổ chức tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, từng cho rằng nếu Thai Bev nắm quyền kiểm soát SAB, công ty này có thể thay đổi việc phân phối, giảm chi phí và trong vòng vài năm tới góp phần làm giảm PE từ mức 40 lần xuống còn 20. Ông nhận định rằng nếu không thể làm điều đó, nghĩa là Thai Bev đã trả một cái giá quá cao.
Tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi dường như có tham vọng thống lĩnh thị trường kinh doanh đồ uống của Đông Nam Á, khi thôn tính Tập đoàn F&N của Singapore. Thông qua F&N, Thai Bev cũng gián tiếp sở hữu 18,7% cổ phần tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (HoSE: VNM).
Vào ngày 2.11.2014, Thai Bev đã tổ chức một cuộc hội thảo có tên gọi “ThaiBev Vision 2020” (tạm dịch: Thai Bev tầm nhìn tới năm 2020). Tại buổi hội thảo này, CEO Thapana Sirivadhanabhakdi của Thai Bev cho biết: “Tầm nhìn của chúng tôi tới năm 2020 là không chỉ tập trung vào thị trường Thái Lan mà chúng tôi còn muốn trở thành người dẫn đầu thị trường đồ uống tại ASEAN, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu ở nước ngoài chiếm không dưới 50% tổng doanh thu của tập đoàn vào năm 2020”. Một phần trong kế hoạch đó là thâu tóm các thương hiệu bia khác tại Asean, theo một kế hoạch 6 năm bắt đầu từ năm 2015.