Vietnam Airlines thoái 49% vốn tại Cambodia Angkor Air
Trước nhiều khó khăn bủa vây, Vietnam Airline đang tích cực tái cơ cấu với việc thoái vốn và bán máy bay.
Trong báo cáo vào đầu tháng 4 vừa qua, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đã có văn bản số 561/UBQLV-TH gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá tình hình tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban.
Theo đó, Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỉ đồng, giảm 6712 tỉ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỉ đồng. Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỉ đồng, giảm 72.411 tỉ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỉ đồng.
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá ảnh hưởng tiềm tàng của COVID-19 đối với tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh, kèm theo các kế hoạch thích hợp trong ngắn hạn và dài hạn để kiểm soát sự không chắc chắn. Theo đó, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp.
Mặc dù đã hết cách ly xã hội nhưng thị trường hàng không vẫn chưa khởi sắc dù các doanh nghiệp đã đưa nhiều phương án kích cầu. Chia sẻ báo chí, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu của hãng đã giảm 50.000 tỉ và 10.000 nhân viên phải nghỉ việc.
Theo thống kê, Vietnam Airlines Group hiện có hơn 20.000 cán bộ, nhân viên, trong đó lực lượng phi công là 1.200 người, kỹ sư máy bay có 2.500 người, đội ngũ tiếp viên 3.000 người. Với tỉ lệ 50% phải ngừng việc, tức sẽ có hơn 10.000 người ở Vietnam Airlines tạm thời phải nghỉ việc trong giai đoạn hiện nay.
Theo một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, chia sẻ với báo chí các "kịch bản" ứng phó với COVID-19 được xây dựng giờ đều bị "phá sản". Trước tình hình hiện nay, việc tính toán không phải là thiệt hại bao nhiêu mà là cứu vãn được bao nhiêu. Việc cắt giảm đường bay khiến các hãng rơi vào tình cảnh cạn kiệt nguồn lực, có thể có hãng không trụ được, dẫn tới phá sản.
Theo báo DealStreetAsia, Vietnam Airlines (HVN) đã bán 49% cổ phần nắm giữ tại Campuchia Angkor Air cho các nhà đầu tư tư nhân, tin từ truyền thông Campuchia trích dẫn một quan chức chính quyền địa phương cho hay. Tuy nhiên, giá trị thương vụ vẫn chưa được xác định.
Theo phát ngôn viên của Ban thư ký Hàng không dân dụng Campuchia, ông Sin Chansereyvutha xác nhận thỏa thuận; đồng thời cũng cho biết chính phủ sở tại (hiện đang sở hữu 51% vốn) không có ý định kiểm soát hoàn toàn hãng hàng không quốc gia Campuchia Angkor Air.
Bên cạnh phương án tái cơ cấu khoản đầu tư vào hãng hàng không Cambodia Angkor Air, trong năm 2020, Vietnam Airlines đã ký các hợp đồng bán 5 máy bay A321 với tổng giá trị thanh lý khoảng 37 triệu USD. Các máy bay này đang thực hiện bàn giao và dự kiến hoàn thành trước tháng 6.2020.