Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu theo hướng tăng vốn chủ sở hữu
Theo đó, sẽ cơ cấu lại tổ chức, bộ máy điều hành; đề xuất cơ cấu lại các xí nghiệp thương mại mặt đất thành công ty TNHH 1 thành viên 100% vốn của tổng công ty...
Ngoài ra, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp (DN) có vốn góp theo hướng thoái vốn tại 9 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành, kém hiệu quả thu hồi 530 tỷ đồng; giữ vốn từ 36 đến 51% tại 11 doanh nghiệp cung ứng sản phẩm truyền thống. Giữ vốn góp chi phối tại 9 doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và an toàn hàng không.
Ông Phạm Viết Thanh cho rằng nhóm giải pháp về tài chính có yếu tố vô cùng quan trọng đối với quá trình tái cơ cấu của Vietnam Airlines. Trong đó, có vấn đề tăng vốn chủ sở hữu bằng nguồn thu từ cổ phần hóa và bổ sung vốn từ lợi nhuận.
Đồng thời, tổng công ty cũng đề nghị tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án tiếp nhận 13 máy bay từ năm 2016 đến 2018.
Bên cạnh 2 nhóm giải pháp tăng vốn chủ sở hữu và huy động vốn từ nguồn vay tín dụng xuất khẩu, vay thương mại và phát hành trái phiếu, Vietnam Airlines đề xuất việc được vận dụng hình thức bán và thuê lại tàu bay... để có thể bổ sung vốn khi gặp khó khăn về dòng tiền.
Việc tăng vốn chủ sở hữu được xem là một yếu tố quyết định tới kế hoạch tái cơ cấu và tháo gỡ những khó khăn hiện nay cho Vietnam Airlines khi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của tổng công ty luôn cao hơn mức quy định. Có tình trạng này chủ yếu do đặc thù của ngành hàng không là bán vé thu tiền trước, trả dịch vụ sau, do các khoản vay đầu tư phát triển đội tàu bay đã được phê duyệt và việc cổ phần hóa chậm hơn dự kiến.
Với vốn điều lệ ở mức hơn 7,8 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8,4 nghìn tỷ, tỷ lệ vốn vay dài hạn/vốn chủ sở hữu từ 2,07 đến 3,04, nợ trên vốn chủ sở hữu là 4,82. Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu thị trường suy giảm, có yếu tố bất thường, thì Vietnam Airlines cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán.
Quy mô của tổng công ty sau tái cơ cấu sẽ gồm có công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam gồm các hãng hàng không quốc gia, công ty Bay dịch vụ hàng không (Vasco), hãng hàng không Jetstar Pacific (có vốn góp chi phối), hãng hàng không Cambodia Angkor Air (công ty liên kết) với 15 công ty con và 12 công ty liên kết so với 18 công ty con và 14 công ty liên kết hiện nay
Vietnam Airlines cũng đề xuất được tiếp tục nghiên cứu bổ sung việc đưa vào sử dụng tàu bay A 380 và tàu bay phản lực cỡ nhỏ vào khai thác. Mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 112 tàu bay, năm 2020 sẽ có 171 tàu bay.
Hiện nay, theo báo cáo của Vietnam Airlines, thực hiện kế hoạch đầu tư đội tàu bay sở hữu, tổng vốn đầu tư cần thanh toán cho giai đoạn 2012 - 2020 để tiếp nhận 36 tàu bay đã được ký hợp đồng (chưa bao gồm vốn cho A 380 và đội tàu bay phản lực) là hơn 3,8 tỷ USD.
Nguồn Báo GTVT