Những hậu thuẫn của Nhà nước đã giúp cứu nguy trước mắt cho Vietnam Airlines. Ảnh: Quý Hòa.

 
Viết Nguyên Thứ Tư | 20/10/2021 13:30

Vietnam Airlines qua vùng bay xấu?

Nhờ nỗ lực tăng vốn kịp thời, Vietnam Airlines đã tạm thời vượt qua được những khó khăn về tài chính.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng năm 2021, Vietnam Airlines lỗ ròng hợp nhất 8.421 tỉ đồng, đẩy lỗ lũy kế tính đến ngày 31/6/2021 là 17.772 tỉ đồng và khiến cho Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.

Cứu nguy giờ chót

Khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP nêu rõ, nếu doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét thì cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị hủy niêm yết. Vì thế, vừa qua, Vietnam Airlines từng xin một ngoại lệ, cho phép cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines vẫn được duy trì niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong giai đoạn ngắn.

Kiến nghị này khiến dư luận rất quan tâm. Bởi như chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển nhận định: “Nếu Vietnam Airlines được đặc cách thì tính chuẩn mực, ổn định và tuân thủ luật lệ không được đảm bảo. Khi đó, không tránh khỏi trường hợp nhà đầu tư ỷ lại, nghĩ rằng đầu tư vào đây chẳng sợ gì hết, được can thiệp”. Điều này rất không phù hợp với cơ chế thị trường và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt giới đầu tư, nhất là nhà đầu nước ngoài.

Tuy nhiên, khi nhìn Vietnam Airlines ở góc độ một công ty nhà nước, chỉ tập trung một mảng vận tải hàng không và việc phục hồi của Vietnam Airlines phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch COVID-19 cùng tiến độ mở cửa trở lại nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng “vẫn có thể xem xét kiến nghị đặc cách cho Vietnam Airlines”. Nhưng ông Minh lưu ý “cần thận trọng, vì đây có thể là tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp khác”.

Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nhận định thị trường chứng khoán từ trước đến nay chưa từng có tiền lệ ở lại sàn khi vi phạm quy định. Nhưng đây có thể xem như một trong những phương án để hỗ trợ Vietnam Airlines.

Vietnam Airlines rất cần bám trụ lại sàn HOSE bởi nếu hủy niêm yết và phải dời xuống sàn UPCoM, hãng hàng không này sẽ gặp nhiều bất lợi về khả năng huy động vốn, phát hành trái phiếu... Vietnam Airlines đã tìm mọi cách cải thiện tình hình tài chính của mình. Mới đây, Hãng tiến hành đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN, như kế hoạch Đại hội cổ đông đã thông qua. Sau đợt phát hành thêm, vốn điều lệ của Vietnam Airlines cũng đã tăng lên thành 22.143 tỉ đồng, xấp xỉ 1 tỉ USD. Nhờ bổ sung vốn kịp thời, Vietnam Airlines tạm thời cất được nỗi lo và vẫn đủ điều kiện ở lại sàn.

Trợ lực từ đôi cánh mới 

Thực tế, trong đợt phát hành lần này, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước giao chi 6.895 tỉ đồng để trở thành cổ đông lớn ở Vietnam Airlines, nắm 31,14% vốn điều lệ mới của hãng bay này. Còn ANA (Nhật), cổ đông lớn khác của Vietnam Airlines, tuy có quyền mua cổ phiếu HVN nhưng đã nhượng lại cho nhân viên Vietnam Airlines. Bản thân nhân viên Vietnam Airlines được quyền mua 70 triệu cổ phiếu HVN. Vietcombank cũng tham gia một cách tích cực. Tính ra, Nhà nước nắm hơn 86% vốn điều lệ đã đóng vai trò chính yếu trong đợt huy động gần 8.000 tỉ đồng của Vietnam Airlines. 
 

Trước đó, 3 ngân hàng là MSB, SHB và SeABank tái cấp vốn cho Vietnam Airlines vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng (lãi suất 0%/năm, không tài sản đảm bảo), nhằm hỗ trợ Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, cho biết số tiền này được dùng để thanh toán các khoản nợ quá hạn, trả các chi phí phục vụ sản xuất kinh doanh. Vietnam Airlines vẫn mong vay ưu đãi thêm 10.000-12.000 tỉ đồng để trang trải. Trong trung và dài hạn, Vietnam Airlines cần Chính phủ bảo lãnh để phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng nhằm đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Những hậu thuẫn của Nhà nước đã giúp cứu nguy trước mắt cho Vietnam Airlines. Ngay những đề xuất về áp giá sàn vé máy bay trong 1 năm hoặc sớm mở cửa lại đường bay quốc tế ở những quốc gia được coi là an toàn với dịch bệnh... cũng đều có lợi cho tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines. Qua đó, Hãng có thể hy vọng giảm lỗ. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh chưa thay đổi, ước tính, Vietnam Airlines có thể lỗ hợp nhất năm 2021 khoảng 14.526 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ.

Các hãng bay khác như Vietjet, Bamboo... cũng muốn được giải cứu. Hiện dư nợ tín dụng của các hãng bay ở ngân hàng là khoảng 24.000 tỉ đồng. Trong đó, nợ được cơ cấu lại thời hạn hơn 2.500 tỉ đồng, tức chiếm trên 10% tổng nợ. Các ngân hàng cũng đang điều chỉnh giảm lãi vay từ 0,5-1 điểm phần trăm/năm cho doanh nghiệp hàng không.

Hiện dư nợ tín dụng của các hãng bay ở ngân hàng là khoảng 24.000 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hoà.
Hiện dư nợ tín dụng của các hãng bay ở ngân hàng là khoảng 24.000 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hoà.

Tuy nhiên, với diễn biến doanh thu ngành hàng không từ cuối tháng 5 đến nay giảm từ 80-90%, các hãng muốn nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn. Vietjet cần được hỗ trợ khoản vay tín dụng 8.000-10.000 tỉ đồng; Bamboo cần vay ưu đãi 5.000 tỉ đồng; Pacific Airlines mong được vay 5.700 tỉ đồng; còn Vietravel  kiến nghị vay ưu đãi 1.000 tỉ đồng.