Tình cảnh của Vietnam Airlines phản ánh khó khăn chung của thị trường hàng không hiện nay. Ảnh: Quý Hòa.

 
Trần Hải Thứ Tư | 22/11/2023 14:00

Vietnam Airlines khởi động đường băng hồi phục

Các tín hiệu tích cực giúp Vietnam Airlines kỳ vọng có thể giảm nhẹ những khó khăn hiện nay.

Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua lùi lại ngày tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Bên cạnh đó, Hãng cũng chưa công bố báo cáo kiểm toán năm 2022. 

Có thể thấy, việc trì hoãn này phản ánh khó khăn mà hãng hàng không quốc gia đang phải xoay xở giải quyết. Quý III/2023, Hãng ghi nhận doanh thu thuần gần 23.600 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ; lãi gộp gấp 7,5 lần cùng kỳ, đạt 1.240 tỉ đồng. Trong 9 tháng, Vietnam Airlines đã thực hiện hơn 114.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 18 triệu lượt khách, dẫn đầu ngành hàng không cả nước với gần 43% thị phần.

Phục hồi từ đáy

Dù đây là con số tích cực nhưng chưa đủ để bù đắp toàn bộ chi phí đang tăng mạnh. Đáng kể nhất là khoản chi phí tài chính tăng 24% lên gần 1.900 tỉ đồng, trong đó phần lớn là lỗ tỉ giá và lãi tiền vay. Chi phí bán hàng cũng tăng 61% lên gần 1.400 tỉ đồng. Vì thế, dù lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần gần 67.600 tỉ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ nhưng lỗ ròng hơn 3.700 tỉ đồng, thấp hơn mức lỗ 7.800 tỉ đồng cùng kỳ.

 

Tình cảnh của Vietnam Airlines phản ánh khó khăn chung của thị trường hàng không hiện nay. Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 10, tổng thị trường hành khách hàng không đạt 5,4 triệu khách, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022, giảm 1% so với tháng 9/2023. Trong đó, sản lượng vận tải hành khách quốc tế đạt 2,6 triệu khách, tăng 69% so với tháng 10/2022, giảm 0,5% so với tháng 9/2023 và bằng 84% so với tháng 9/2019. Do đang trong giai đoạn thấp điểm nên vận chuyển khách nội địa đạt 2,7 triệu khách, giảm 15% so với tháng 10/2022, giảm 1,2% so với tháng 9/2023. Đây cũng đã là tháng thứ 3 liên tiếp sản lượng vận chuyển hành khách nội địa giảm so với tháng liền kề.

Thị trường hàng không nội địa dù giảm nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan hơn thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam dù đạt mục tiêu 8 triệu khách nhưng chưa giải quyết được những khó khăn trước mắt của nhiều hãng hàng không. Doanh thu quốc tế của Vietnam Airlines tăng mạnh nhờ thị trường khu vực châu Âu, Úc và Mỹ phục hồi tốt nhưng không thể bù đắp được sự sụt giảm của thị trường các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông). Đây là những thị trường chiếm 70% lượng khách đến Việt Nam trước dịch nhưng hiện vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Động lực từ thị trường khách quốc tế

Thực tế, việc đẩy mạnh khai thác thị trường quốc tế giúp Vietnam Airlines cải thiện đáng kể biên lãi gộp lên khoảng 5-8% nhưng vẫn rất mỏng so với trước dịch. Cũng đối mặt với những khó khăn này, Bamboo Airways đã tạm dừng khai thác hầu hết các chặng bay quốc tế đi châu Âu, châu Á, Đông Nam Á. Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ cắt giảm đội bay từ 29 chiếc xuống còn 11-13 chiếc trong giai đoạn tới.

Dù tốc độ tăng trưởng thị trường quốc tế tăng lên tới gần 300% nhưng Cục Hàng không Việt Nam và các hãng hàng không đều chung nhận định, khách quốc tế đi, đến Việt Nam bằng đường hàng không tuy tăng cao nhưng không đạt kỳ vọng đặt ra. Tốc độ phục hồi chậm của thị trường quốc tế khiến nhiều hãng dồn lực vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường nội địa cũng đang gặp khó khăn do sức mua giảm dẫn đến tình trạng dư thừa tải cung ứng.

Tình trạng này tác động tiêu cực đến giá và doanh thu của các hãng. Bên cạnh đó, tuy tình hình có phục hồi nhưng nhiều hãng hàng không như Vietnam Airlines vẫn gặp áp lực trong việc hoàn trả các khoản nợ phát sinh trước đó kèm mặt bằng lãi suất tăng cao trong thời gian qua. Ngoài giá nhiên liệu, yếu tố lãi suất, tỉ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác đều đã ở mặt bằng cao hơn, gây bất lợi đáng kể cho việc làm đẹp bản báo cáo tài chính. Vì thế, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đưa ra ước tính không lạc quan là Vietnam Airlines có thể lỗ hơn 4.500 tỉ đồng trong năm 2023.

Do đó, Vietnam Airlines cũng như hầu hết các hãng hàng không Việt Nam đang phải thực hiện nhiều giải pháp từ tái cơ cấu tài chính, đội tàu bay, bộ máy tổ chức cho đến phương án kinh doanh... Trong đó, việc tái cơ cấu tài chính, bổ sung nguồn vốn, dòng tiền, cắt giảm chi phí được coi là giải pháp quan trọng nhất để kinh doanh có hiệu quả trong bối cảnh khó khăn.

Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VDSC cho rằng, tốc độ tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế sẽ bình thường hóa trong năm 2024, dự đoán lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) sẽ tăng 42% so với năm nay nhờ khối lượng thị trường quốc tế đóng góp cao hơn, dẫn đến giá bán trung bình của phí dịch vụ hàng không và tỉ suất lợi nhuận cao hơn. Theo đó, khi thị trường khách quốc tế phục hồi về mức trước dịch, xu hướng này sẽ giúp phần lớn các doanh nghiệp trong ngành như Vietnam Airlines tăng trưởng tích cực hơn trong năm tới. 

Có thể bạn quan tâm 

Năm 2024, “bức tranh” dệt may vẫn sáng tối đan xen