Thứ Năm | 03/07/2014 17:53

Vietnam Airlines hứa không xin thêm ưu đãi sau IPO

Đại diện hãng cho biết 2 cơ chế đề xuất trong phương án cổ phần hóa là các chính sách kế thừa, không phải xin mới.
Vietnam Airlines cũng khẳng định không mang tiền Nhà nước đi cho cổ đông bên ngoài.

Phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines gửi lên Bộ Giao thông Vận tải cuối tháng 6 khiến dư luận quan tâm, nhất là khi hãng xin giữ lại thặng dư vốn cổ phần (khoản chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu thực tế với mệnh giá) và tiếp tục được Nhà nước bảo lãnh trong các hợp đồng mua tàu bay sau IPO.

Một số chuyên gia cho rằng việc xin các cơ chế ưu đãi như vậy sau khi đã thành công ty đại chúng - nếu được chấp thuận - sẽ làm sai bản chất của cổ phần hóa.

Lý giải với VnExpress về những đề xuất này, ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính - Kế toán của Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty chỉ xin 2 chính sách vốn đã được Thủ tướng phê duyệt từ trước. Điều này được ông cắt nghĩa là những chính sách nêu trên chỉ mang tính kế thừa, không phải xin mới.

Với việc giữ lại thặng dư vốn, ông Hiền giải thích không có chuyện Vietnam Airlines mang vốn của Nhà nước cho công ty cổ phần sau này, hoặc cho nhà đầu tư khác. Đại diện hãng cho biết sau khi cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ và số tiền này sẽ được sử dụng như phần góp của Nhà nước khi tăng vốn.

"Còn khi chưa tăng vốn, doanh nghiệp có trách nhiệm quản lý sử dụng theo các quy định của Nhà nước. Việc này sẽ chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, ví dụ như đóng băng tại một tài khoản ở Kho bạc, hoặc doanh nghiệp được sử dụng nhưng phải trả lãi như một khoản vay", ông Hiền nói và cho biết Vietnam Airlines muốn dùng số tiền này để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh với các dự án đã được phê duyệt trước đây.

Các dự án này bao gồm cả chương trình đổi mới đội tàu bay Airbus 350 và Boeing 787 mà theo đại diện của Vietnam Airlines là đã được duyệt, cần có sự bảo lãnh vay vốn của Nhà nước để có điều kiện thực hiện trọng vẹn. "Chúng tôi khẳng định sau khi IPO thành công, sang công ty cổ phần thì việc xin hỗ trợ như vậy từ Chính phủ sẽ không còn", ông Trần Thanh Hiền nói thêm.

Nhận xét về quan điểm của Vietnam Airlines, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng kiến nghị tương tự không phải là mới. Nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa trước đây cũng có những đề xuất tương tự và đã được chấp thuận.

"Việc này cũng nhằm động viên các doanh nghiệp cổ phần hóa. Theo đó, nếu Chính phủ giữ các chính sách ưu đãi sẵn có thêm một thời gian, sẽ có lợi cho giá cổ phiếu", Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nói. Cũng theo ông, nếu chỉ doanh nghiệp Nhà nước mới được ưu đãi và khi thành công ty cổ phần không còn thì không công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Nguồn Vnexpress


Sự kiện