Ảnh: TL
Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng để vượt qua cơn bão Covid-19
Ngày 1/4/2020, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản số 561/UBQLV-TH gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đánh giá tình hình tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng; đồng thời do tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới, dẫn đến một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban đang phải chịu tác động kép.
Trong báo cáo, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý 4, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng.
Hiện Vietnam Airlines đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu. Ngay từ tháng 3/2020, Vietnam Airlines buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Báo cáo cho biết Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp này tính đến ngày 20/03 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của Vietnam Airlines dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Trước những áp lực về tài chính nêu trên, Vietnam Airlines cho biết nguy cơ các ngân hàng sẽ không tiếp tục cho doanh nghiệp và các công ty con vay.
“Ngoài số vay ngắn hạn đến cuối năm 2020 là 3.517 tỷ đồng, để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỷ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4/2020", trích từ báo cáo của Uỷ ban Quản lý vốn nêu kiến nghị.
Vietnam Airlines cũng vừa công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự, bao gồm cả phi công. Đồng thời triển khai giảm lương toàn bộ nhân sự của doanh nghiệp.
“Đây là một quyết định đặc biệt khó khăn và có tính lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển của ngành hàng không và Vietnam Airlines. Trong quá trình hoạt động, chưa bao giờ chúng ta phải đột ngột dừng gần như toàn bộ hoạt động với 100 máy bay trong tống số 106 máy bay phải tạm ngừng khai thác”, ông Thành chia sẻ trong thư gửi toàn thể nhân viên hãng này.
Dù đã rất cố gắng nỗ lực, song dự kiến năm 2020, hãng này sẽ giảm lượng khách tới 60%, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng. Theo CEO Vietnam Airlines, 50% nhân viên toàn Tổng công ty sẽ phải ngừng việc, toàn bộ nhân viên giảm lương, cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
“Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà ngành hàng không từng đối mặt”, Tổng giám đốc của IATA, Alexandre de Juniac cho biết trong một tuyên bố. “Tác động lên ngành hàng không đã khiến các hãng máy bay phải cắt giảm chi phí và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để tồn tại trong những tình cảnh cực kỳ khó khăn này”.
Khép lại phiên ngày thứ Hai (06/04), cổ phiếu HVN tăng trần lên 20.650 đồng, tăng mạnh từ đáy 18.300 đồng hồi ngày 24/03. Tính trong 1 quý qua, cổ phiếu HVN giảm gần 40%.
*