VietJet tiếp tục theo đuổi kế hoạch niêm yết nước ngoài
Hãng hàng không VietJet tiếp tục theo đuổi kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài, sau khi đã tiến hành chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) trong nước hồi tháng trước với định giá 1,2 tỷ USD.
Theo hãng tin Reuters, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet, cho biết hãng hàng không này có thể cân nhắc việc niêm yết trên sàn Singapore, Hong Kong hoặc Tokyo.
"VietJet hy vọng sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết thành công trên thị trường vốn quốc tế", nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam đồng thời là người sáng lập ra hãng hàng không VietJet năm 2007 nói.
VietJet hiện đang hoạt động ở 60 đường bay trong và ngoài nước và kỳ vọng sẽ nâng đội bay lên 200 chiếc vào năm 2023. Hãng cũng ước lợi nhuận trước thuế đã tăng gấp đôi trong năm 2016 lên 2.300 tỷ đồng và kỳ vọng lợi nhuận ròng sẽ tăng 30% trong năm 2017. Bà Thảo cho biết hiện VietJet cũng đang vay khoảng 5 nghìn tỷ đồng, tính đến cuối tháng 9/2016.
VietJet đã lên kế hoạch niêm yết nước ngoài từ đầu năm 2016, nhưng kế hoạch này tạm đóng băng do vướng phải một số quy định về việc niêm yết. Bà Thảo hiện vẫn chưa đưa ra lộ trình cụ thể cho kế hoạch niêm yết này.
Quỹ đầu tư GIC thuộc Chính phủ Singapore và Morgan Stanley là hai trong số 26 nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia mua tổng cộng 24% cổ phần của VietJet trong đợt chào bán gần đây, bà Thảo cho biết. Cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ bắt đầu được giao dịch trên thị trường Việt Nam trong tháng Hai.
Giới đầu tư đang tìm cách tiếp cận với hãng hàng không vốn được kỳ vọng là sẽ nắm nhiều thị phần nội địa nhất năm nay, giữa bối cảnh ngành hàng không Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Bà Thảo cũng cho biết VietJet hiện đang mở rộng các đường bay quốc tế và hoàn toàn có đủ nguồn lực tài chính để mở rộng đội bay, bao gồm các kế hoạch đặt mua máy bay từ Airbus và Boeing.
Hãng này thông báo đã đặt mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 với tổng trị giá 11,3 tỷ USD hồi tháng Năm năm ngoái. Cùng với đó, hãng cũng ký hợp đồng 2,4 tỷ USD đặt mua 20 máy bay Airbus A321.
Trường Văn
Nguồn Reuters