Thứ Sáu | 25/05/2012 20:19

VietinBank bị kiện vì khoản vay 640 tỷ đồng

Do bất đồng về khoản vay 640 tỷ đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã kiện VietinBank ra tòa đòi bồi thường 43,7 tỷ đồng.
Ngày 23/5, TAND TP. Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án kinh doanh thương mại tranh chấp hợp đồng tiền gửi giữa nguyên đơn Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) và bị đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (VietinBank).

Bất đồng khởi nguồn từ bản cam kết giữa VietinBank và DIV được ký ngày 19/1/2006. Theo đó, VietinBank cam kết thanh toán vô điều kiện cả gốc và lãi cho DIV trong trường hợp các chi nhánh của ngân hàng này vay tiền của DIV không thực hiện đúng theo các cam kết trong hợp đồng tín dụng. Từ cam kết này, DIV đã cho các chi nhánh của VietinBank vay tiền. Sự hợp tác giữa các bên suôn sẻ cho tới năm 2009, thì mẫu thuẫn bắt đầu phát sinh.

Trong năm 2008, hàng loạt chi nhánh của VietinBank ký kết hợp đồng vay tiền với DIV với tổng số tiền lên tới 640 tỷ đồng.

Đầu năm 2009, để hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống còn 7%/năm, và yêu cầu các ngân hàng cho vay với lãi suất không quá 150% lãi suất cơ bản.

VietinBank sau đó có công văn chính thức đề nghị DIV điều chỉnh lãi suất đối với khoản vay 250 tỷ đồng trong tổng số 640 tỷ đồng xuống còn khoảng 10%/năm. Tuy nhiên, DIV không chấp nhận đề nghị trên. Sau đó, một số chi nhánh của VietinBank đã đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả gốc và lãi trước hạn.

Ngày 13/2/2009, hai bên đã ngồi lại thương thảo với nhau và thống nhất biên bản làm việc. Theo đó, hai bên thống nhất quan điểm chỉ đạo các cấp phải thực hiện nghiêm túc các điều khoản hợp đồng trong thời gian DIV xin ý kiến chỉ đạo từ phía Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, từ ngày 17/3 - 21/3/2009, các chi nhánh của VietinBank đồng loạt trả vốn trước hạn. Đến ngày 3/4/2009, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời DIV, khẳng định hợp đồng tiền gửi thực hiện theo cơ chế thị trường, bởi vậy các bên tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và các quy định pháp luật.

Tiếp đó, năm 2010, khi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) thực hiện cuộc kiểm toán tình hình hoạt động năm 2009 của DIV, cơ quan này đã ra kiến nghị DIV phải thu hồi khoản tiền 43,7 tỷ đồng. DIV đã yêu cầu VietinBank thanh toán số tiền trên nhưng không được VietinBank chấp thuận. Để thực hiện kiến nghị của KTNN, DIV đã đâm đơn khởi kiện tại TAND TP. Hà Nội để đòi số tiền nêu trên.

Bồi thường 43,7 tỷ đồng, căn cứ vào đâu?

Tại Tòa, đại diện DIV cho biết nếu tính số tiền gốc và lãi theo đúng hợp đồng đã ký thì VietinBank phải trả cho DIV 43,7 tỷ đồng theo kết quả kiểm toán. Nếu tính bồi thường thiệt hại, lãi chậm trả thì số tiền phải trả lên tới 62,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, DIV chỉ yêu cầu VietinBank hoàn trả số tiền 43,7 tỷ đồng nhằm thực hiện đúng yêu cầu của KTNN.

Cũng theo đại diện DIV, hợp đồng quy định rõ, nếu muốn kết thúc hợp đồng trước kỳ hạn, phải được sự chấp thuận của DIV bằng văn bản. Tuy nhiên, trong suốt quá trình thương thảo, DIV chưa hề chấp nhận giảm lãi suất cũng như cho phép trả gốc và lãi trước hạn. Trong khi đó, phía VietinBank cho rằng, Ngân hàng phải tuân thủ quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản (7%/năm) của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm đó.

HĐXX đã thẩm vấn đại diện DIV về số tiền thiệt hại 43,7 tỷ đồng. HĐXX đặt vấn đề, liệu số tiền đó có đúng là thiệt hại mà DIV phải chịu, bởi sau khi VietinBank trả tiền trước hạn, DIV đã sử dụng số tiền đó để tiếp tục đầu tư?

Khoản tiền đó cho ngân hàng khác vay thì lãi suất có thể thấp hơn so với lãi suất cho VietinBank vay trước kia. Như vậy, số thiệt hại của DIV đúng ra phải là phần chênh lệch giữa lãi suất cho VietinBank vay theo hợp đồng với lãi suất cho ngân hàng khác vay và con số đó sẽ không phải là 43,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện DIV cho biết, có thể phân rõ số tiền VietinBank trả về trước hạn nhưng không thể bóc tách khoản cho vay nào lấy từ số tiền VietinBank trả trước hạn (!?). Bởi vậy, DIV căn cứ vào số tiền KTNN đưa ra để yêu cầu VietinBank bồi thường. Đại diện DIV cũng cung cấp thông tin, chính VietinBank Chi nhánh Phú Thọ, đơn vị có cùng hợp đồng tiền gửi tương tự như các chi nhánh khác đã thực hiện nghiêm túc hợp đồng này và trả đầy đủ gốc, lãi khi đến hạn vào tháng 6/2009.

Theo đại diện VietinBank, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tại DIV và đưa ra kiến nghị số tiền 43,7 tỷ đồng mà chưa hề xem xét đến chứng từ, sổ sách tại VietinBank. Kết quả kiểm toán này không thể là căn cứ pháp lý để buộc VietinBank phải thực hiện việc trả tiền cho DIV. Đối với tranh chấp kinh tế, chỉ có Tòa án mới có quyền đưa ra phán quyết và VietinBank sẽ tuân thủ các phán quyết của Tòa.

Dự kiến, ngày 28/5, Tòa sẽ tuyên án.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện