Vietcombank kỳ vọng lạm phát 2013 từ 7% trở xuống
Trong quý III, CPI đã có mức tăng khá đột biến so với các tháng trong quý II, đặc biệt là trong tháng 8 (tăng 0,83% so với tháng trước) và tháng 9 (tăng 1,09%). Điều này chủ yếu là do việc tăng giá mạnh của một số nhóm hàng như dịch vụ y tế, giáo dục vào mùa tựu trường và giao thông sau ảnh hưởng cửa những đợt điều chỉnh giá xăng dầu. Mặc dù có sự gia tốc qua từng tháng nếu nhìn lại cùng kỳ năm 2012, lạm phát đã được kiểm soát tốt hơn và có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trong bối cảnh cầu yếu kết hợp với việc kiểm soát cung tiền hợp lý và linh hoạt dựa theo mục tiêu lạm phát, nguyên nhân gia tốc CPI trong hai tháng cuối quý III chủ yếu đến từ việc tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu. VCBS cho rằng cú sốc từ việc điều chỉnh giá dịch vụ ý tế và giáo dục đã phản ánh phần lớn vào mức tăng CPI trong quý III và yếu tố này khó có khả năng tạo sức ép lên CPI của các tháng trong quý IV. Điều này cũng được thể hiện khá rõ khi chỉ số CPI tháng 10 công bố chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ 0,49% (so với tháng trước), 5,14% (từ đầu năm tới nay) và 5,92%(so với cùng kỳ), tiếp tục xu hướng giảm so với con số 6,3% (so với cùng kỳ) của tháng 9.
Hiện tại, có một số lo ngại những yếu tố và rủi ro làm gia tăng lạm phát về cuối năm như việc mặt bằng giá cả có thể sẽ tăng lên theo yếu tố chu kỳ , rủi ro nhập khẩu lạm phát khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang duy trì các gói kích thích kinh tế và rủi ro tiền tệ trong nước với việc duy trì chính sách nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, theo VCBS những rủi ro này chỉ ở mức tiềm ẩn và chưa đáng lo ngại, đồng thời theo định hướng chính sách, NHNN vẫn có nhiều dự địa cũng như các biện pháp linh hoạt để điều tiết cung tiền nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định nền kinh tế.
Nguồn NDH Money