Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đứng thứ 12 nhưng đóng thuế đứng thứ 2
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng, kim ngạch hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ là gần 31 tỉ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, cán cân thương mại Việt Nam trong 9 tháng qua thặng dư 24,1 tỉ USD, tương đương 78% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Trong 8 tháng năm 2017, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt hơn 30,16 tỉ USD, chiếm 1,99% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nước này và đứng thứ 12 trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Trong cùng thời gian trên, hàng hóa Việt Nam đã phải đóng trên 2,2 tỉ USD tiền thuế, xếp thứ 2 trong tốp 15 quốc gia đóng thuế nhập khẩu hàng hóa cao nhất vào Mỹ, chỉ xếp sau Trung Quốc (khoảng 8,85 tỉ USD tiền thuế với kim ngạch xuất khẩu hơn 318 tỉ USD). Ước tính, số tiền thuế hàng nhập khẩu xuất xứ từ Việt Nam phải đóng chiếm đến 10,11% số tiền thu thuế hàng nhập khẩu của Mỹ trong 8 tháng đầu năm nay.
Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng qua các năm |
Theo Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA), vì lý do này, sản phẩm và hàng hóa từ Việt Nam đang bị mất lợi thế cạnh tranh hơn nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác vì thuế đóng quá cao, cao hơn cả các nước phát triển cũng như những nước trong khu vực. Có những dòng hàng Việt Nam bị đánh thuế trên 30% và trung bình của ngành dệt may là 17%. Các nước trong khối ASEAN như Indonesia chỉ đóng khoảng hơn 823 triệu USD, Thái Lan 298 triệu USD, Campuchia 278 triệu USD...
Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tiếp tục vượt qua các đối thủ cạnh tranh, thậm chí khi không được hưởng lợi từ bất kỳ chương trình ưu đãi thương mại hay hiệp định thương mại tự do nào. Theo ông Jon Fee, cố vấn cấp cao, Công ty Alston & Bird LLP, trong 12 tháng tính đến ngày 31.8, nhập khẩu hàng may mặc vào Mỹ từ Việt Nam vẫn tăng 8,74% và giày dép tăng 11,83%. Tuy vậy, các chuyên gia của Mỹ cho rằng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do Mỹ đang thắt chặt hơn các quy định, quy chuẩn về an toàn các sản phẩm nhập khẩu nhằm giảm thâm hụt thương mại.