Thứ Tư | 05/09/2012 14:06

Việt Nam xếp thứ 75 về năng lực cạnh tranh toàn cầu

Điểm mạnh về năng lực cạnh tranh của Việt Nam gồm có thị trường lao động hiệu quả, quy mô thị trường lớn, Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định.
Hôm nay 5/9, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012 - 2013, theo đó, Việt Nam tụt xuống thứ 75 trong số 144 nền kinh tế.

Như vậy kể từ năm 2010, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tụt 16 bậc, từ thứ 59 trong bảng xếp hạng năm 2010-2011, xuống 65 năm 2011-2012. Hiện tại, Việt Nam xếp thấp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á theo khảo sát của WEF.

Biểu đồ GDP bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 1999-2011.
Biểu đồ GDP bình quân đầu người Việt Nam giai đoạn 1999-2011. Biểu đồ cho thấy GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng dần qua các năm nhưng khoảng cách so với mức bình quân của các nước đang phát triển ở châu Á.

Trong 12 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh, Việt Nam tụt hạng về 9 tiêu chí. Trong đó, Việt Nam tụt 41 bậc về môi trường kinh tế vĩ mô xuống vị trí thứ 106 sau khi tăng 20 bậc vào năm 2011. Các chỉ tiêu khác gồm có cơ sở hạ tầng (thứ 95), chất lượng đường xá (thứ 120), cầu cảng (130). Theo nhận định của WEF, cơ sở hạ tầng vẫn là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mặc dù đã có dấu hiệu cải thiện trong những năm gần đây.

Các thể chế Nhà nước bị hạn chế bởi tham nhũng và hoạt động kém hiệu quả, trong khi đó tính minh bạch trong khu vực tư nhân còn kém. Lạm phát của Việt Nam năm 2012 tuy đã giảm đáng kể nhưng tình trạng nợ công vẫn đáng lo ngại.

Các dữ liệu thống kê về Việt Nam của WEF:
Dân số: 90 triệu ngườiTổng GDP: 122,7 tỷ USDGDP bình quân đầu người: 1.374 USDTỷ lệ đóng góp GDP toàn cầu: 0,38%
Về điểm mạnh của Việt Nam, thị trường lao động được đánh giá khá hiệu quả (xếp thứ 51), quy mô thị trường lớn (xếp thứ 32), chất lượng giáo dục đại học và chăm sóc y tế xếp thứ 64.

10 nước đứng đầu danh sách năm nay vẫn là các nước châu Âu, trong đó tiếp tục đứng đầu là Thụy Sỹ. Trong top 10 này còn có Mỹ (thứ 7) và 3 nền kinh tế châu Á gồm Singapore (thứ 2), Hong Kong (thứ 9) và Nhật Bản (thứ 10).

Tại khu vực châu Á, Trung Quốc tụt từ vị trí 26 xuống 29, Philippines hoán đổi vị trí với Việt Nam, tăng từ thứ 75 lên 65. Malaysia xếp thứ 25, Thái Lan thứ 38, Đài Loan thứ 13 trong khi Campuchia thứ 85.

Báo cáo mức độ cạnh tranh toàn cầu dựa trên 12 nhân tố chính của mức độ cạnh tranh, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về tình hình cạnh tranh ở các nước trên thế giới. Các nhân tố này là: thể chế, cơ sở hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, sức khỏe và giáo dục, mức độ hiệu quả của thị trường hàng hóa, thị trường lao động, sự phát triển thị trường tài chính, công nghệ thông tin, quy mô thị trường, sự tinh vi trong kinh doanh và cải tiến.

Nguồn WEF/Khampha


Sự kiện