Việt Nam vay 11 tỉ yen phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 6-9, tại trụ sở Bộ Kế hoạch - đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Trung và đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada ký công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản ODA vốn vay tài khóa 2016 trị giá 11 tỉ yen để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Văn Trung, Nhật Bản là đất nước có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Trung cho biết khoản 11 tỉ yen nói trên được cung cấp để hỗ trợ ngân sách cho Chính phủ Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu tăng cường cải cách một số lĩnh vực ưu tiên trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua.
“Việt Nam cam kết sử dụng khoản vay ODA đúng mục đích và có hiệu quả cao nhất” - ông Trung nói.
Phát biểu tại lễ ký kết, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada cũng khẳng định việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay cho các hoạt động cải cách của Việt Nam. Đây là nội dung và thuộc trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam.
“Việc sử dụng minh bạch và hiệu quả nguồn vốn vay sẽ góp phần giúp Việt Nam cải cách hành chính và cải cách thể chế về hành chính. Tôi cho rằng Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế hơn nữa. Vì vậy, cần phải đào tạo nguồn nhân lực, tích lũy kinh nghiệm và sử dụng kinh phí hợp lý trong vận hành và quản lý chính sách của mình” - ông Hiroshi Fukada nói.
Thông báo chính thức của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng nêu rõ hoạt động này hỗ trợ thực hiện cải cách chính sách xuyên suốt 3 trụ cột nhằm giúp Chính phủ: Thứ nhất, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng cường quản trị ngành tài chính và quản lý tài khóa trong đó bao gồm cả các chính sách giải quyết nợ xấu, cải cách ngân hàng, quản lý nợ và quản lý kho bạc.
Thứ hai, tăng cường minh bạch, tiết kiệm và trách nhiệm trong khu vực công. Tăng cường bộ máy hành chính công, quản lý doanh nghiệp nhà nước và tăng cường quản lý lý đầu tư công hướng tới nâng cao minh bạch và làm cho môi trường quản lý nhà nước lành mạnh hơn.
Thứ ba, cải thiện môi trường kinh doanh. Giảm gánh nặng hành chính, cải thiện chính sách thuế và mua sắm công, và cải thiện thủ tục hành chính.
Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, công hàm trao đổi được ký quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng ODA vốn vay dành cho chương trình nêu trên. Trên cơ sở điều kiện khung này, lãnh đạo Bộ Tài chính Việt Nam và đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng sẽ ký hiệp định vay cụ thể cho trương trình.
Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam.
Với 11 tỉ yen ODA vốn vay thông qua công hàm trao đổi được chính thức ký kết, cam kết ODA bao gồm viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay của Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam từ năm 1992 đến nay đạt khoảng 2.800 tỉ yen.
Nguồn Tuổi trẻ