Nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất giấy trong nước. Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Quý Hòa
Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy/ năm
→Giá giấy trong nước tăng cao vì Trung Quốc
→Chứng chỉ xanh: Giấy thông hành bền vững
Tuy nhiên, hằng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và cho sản xuất.
Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo Giải pháp chính sách phát triển bền vững ngành giấy tại Việt Nam ngày 16.10.
Thiếu nguyên liệu
Tuy có nhu cầu lớn đáng kể và vai trò đa dạng với nền kinh tế nhưng hiện nay nguồn cung giấy phế liệu trong nước không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn nhằm phục vụ cho sản xuất trong nước. Theo ước tính sơ bộ, 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu, trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước trước khi đưa vào phân loại và xử lý, còn lại phải nhập khẩu.
Việc tái sử dụng phế liệu giấy làm nguyên liệu mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như sẽ giảm đi việc chặt phá, đồng thời tận dụng được phế liệu để sản xuất giúp giảm chi phí do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí để xử lý so với việc phát thải phế liệu ra môi trường. Do đó, trong sản xuất công nghiệp, không riêng ngành giấy mà rất nhiều ngành đã và đang sử dụng phế liệu trong sản xuất, sản phẩm đã qua sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất như ngành nhựa, giấy, thủy tinh, thép…
Ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến cho biết, qua kinh nghiệm từ nhiều quốc gia phát triển trong đó có Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc... tái chế giấy phế liệu đã và đang trở thành xu hướng, thậm chí còn là ngành công nghiệp xanh góp phần bảo vệ môi trường. Hoạt động tái chế giấy trở thành hoạt động kinh doanh từ khâu thu gom tại nguồn phát sinh đến khâu xử lý và tiêu hủy cuối cùng, nên tạo ra nhiều giá trị kinh tế.
Lo lắng về vấn đề môi trường
Tuy có vai trò trọng yếu trong việc phát triển công nghiệp, tại Việt Nam, nguyên liệu giấy tái chế và việc nhập khẩu nguyên liệu này vẫn còn gặp nhiều thách thức về mặt quản lý, đặt ra bài toán được mất giữa sản xuất và môi trường.
Nhận định thực tế này, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), chia sẻ 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước, còn lại phải nhập khẩu.
"Đối với các doanh nghiệp tái chế giấy chuyên nghiệp, có năng lực tái chế tốt như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ rất cần nguồn nguyên liệu giấy và rõ ràng nhập khẩu là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh trong nước không đủ nguyên liệu sản xuất", ông Dũng cho biết.
Theo TS. Phạm Đình Thưởng, Chuyên gia phân tích chính sách cho rằng, cần phải tăng cường kiểm soát tuân thủ nhập khẩu giấy phế liệu và xử lý môi trường, cần cân nhắc thận trọng biện pháp tạm ngừng nhập khẩu, cấm nhập khẩu giấy phế liệu…
Về phía các doanh nghiệp giấy, môi trường cần là ưu tiên hàng đầu trong phương thức sản xuất và xả thải, giữ vững tiêu chí sẵn sàng phối hợp cùng Chính phủ, đóng góp kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng chất lượng sản phẩm, đảm bảo xử lý môi trường và góp phần phát triển kinh tế.