Năm 2023, Đài Loan đứng thứ 6 về đầu tư FDI vào Việt Nam, với 2,8 tỉ USD vốn đăng ký mới. Hình: CNBC

 
Thanh Hằng Thứ Hai | 26/02/2024 10:54

Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng để đầu tư

Trong xu hướng rút ngắn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư vào nguyên liệu thô, linh kiện, máy chủ.

Năm 2022, lần đầu tiên giá trị đầu tư của Đài Loan vào Đông Nam Á và Đông Á cao hơn đầu tư vào Trung Quốc. Theo Nikkei, những khoản đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á đã ghi nhận 5,2 tỉ USD, cao hơn 0,2 tỉ USD so với dòng vốn chảy vào Trung Quốc trong cùng khoảng thời gian. Xu hướng đa dạng hóa công xưởng bên ngoài Trung Quốc của Đài Loan vẫn tiếp tục trong những năm sau đó. 

Theo thống kê của Bộ Kinh tế Đài Loan, trong 11 tháng đầu năm 2023, đã có 504 dự án với giá trị 22,8 tỉ USD được Đài Loan đăng ký đầu tư ra thế giới, tăng 145,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, đầu tư vào Trung Quốc tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm 33,9% về giá trị đầu tư với 2,9 tỉ USD đăng ký cho 305 dự án. 

Tại Việt Nam, một trong những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Đài Loan là Tập đoàn KHKT Hồng Hải (Foxconn) cũng tiếp nối làn sóng trên khi gia tăng khoản đầu tư vào các nhà máy tại Việt Nam. Từ nhà máy đầu tiên được mở cửa tại Bắc Giang vào năm 2007 có giá trị đầu tư 1 tỉ USD, đến nay Foxconn đã có 4 nhà máy tại Việt Nam với tổng giá trị đầu tư hơn 15 tỉ USD.

 “Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng để đầu tư”, ông Hứa Ngọc Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại châu Á, người đã có thâm niên hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam nhận định với Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư. Ông Hứa, người đã sáng lập Công ty Thực phẩm Đại Phát từ năm 2000, cho biết con người chính là lợi thế lớn nhất của Việt Nam khi ấy. 

“Nguồn lao động ở Việt Nam rất dồi dào”, ông Hứa duy trì sự lạc quan khi nhận định về lợi thế của Việt Nam, quốc gia vẫn đang tận hưởng cơ cấu dân số trẻ với lực lượng lao động chiếm tỉ lệ cao trong một thập kỷ tới. 

Tuy vậy, điểm yếu của Việt Nam cũng nằm ở lực lượng lao động, Chủ tịch Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại châu Á cho biết. Trong khi các công xưởng thế giới khác như Trung Quốc, Ấn Độ đã nỗ lực nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị bằng việc sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao, tại Việt Nam, nguồn nhân lực này còn rất hạn chế. “Chưa bàn đến chương trình đào tạo, nhiều sinh viên Việt Nam thiếu kỹ năng thực tế khi đợi đến khi gần ra trường mới thực hành, trong khi sinh viên Đài Loan đã đi thực tập từ năm 3”, ông Hứa so sánh.

 

Có vẻ những khoản đầu tư của những gã khổng lồ công nghệ như Foxconn, Intel hay Samsung sẽ khó có thể đem lại triển vọng chuyển giao công nghệ như được tung hô trên truyền thông. “Tôi cho rằng trong tương lai gần, nhà đầu tư sẽ không lựa chọn sản xuất chip cao cấp (dưới 12 nm) tại Việt Nam, tuy nhiên, trong lĩnh vực lắp ráp chip và phần mềm ở cấp độ thấp hơn, Việt Nam vẫn còn cơ hội. Lực lượng lao động có trình độ cao cùng với hạ tầng điện nước chất lượng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn”, ông phân tích. 

Trở lại với làn sóng mở rộng đầu tư, đích đến của những khoản đầu tư mới trong vài năm qua đa dạng khắp Đông Nam Á tùy thuộc vào ngành nghề. Malaysia nhận thêm 2,5 tỉ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhờ cơ sở hạ tầng và mạng lưới công nghiệp phụ trợ đã phát triển mạnh tại khu vực Penang và Klang Valley. Trong khi đó, Singapore nhận thêm 500 triệu USD đầu tư trong lĩnh vực y tế.

Dòng tiền của những nhà đầu tư xứ Đài cũng tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm vừa qua, với tổng vốn đầu tư 2,8 tỉ USD được đăng ký mới. Quy mô đầu tư này đưa Đài Loan đứng thứ 6 trong 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong năm qua. Trong quá khứ, Đài Loan từng có giai đoạn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với số vốn đăng ký liên tục đứng đầu từ 2007 đến 2011. 

“Trong những ngành công nghiệp truyền thống đòi hỏi nhiều nhân lực, những gì cần đầu tư đều đã đầu tư rồi” ông Hứa hồi tưởng lại giai đoạn ồ ạt đầu tư vào Việt Nam của những người đồng hương của ông nhiều năm về trước. 

Tuy nhiên, ông Hứa cho rằng Việt Nam vẫn thiếu đầu tư vào nguyên liệu thô, linh kiện, máy chủ,  thể hiện qua số liệu từ việc Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn máy móc hoặc nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc. “Đây có lẽ cũng là hạng mục thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất. Suy cho cùng, tiến gần hơn đến thị trường, rút ngắn chuỗi cung ứng đang là xu hướng toàn cầu” ông kết luận. 

Có thể bạn quan tâm:

CNBC: Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng tài sản đột biến trong thập kỷ tới