Thứ Năm | 25/10/2012 07:27

Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư nhờ dân số trẻ

Dân số trẻ chính là động lực của nền kinh tế hiện tại và tương lai vì đây vừa là lực lượng lao động, vừa là thị trường tiêu dùng tiềm năng.
Đó là cơ sở cho niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam, được chia sẻ tại Diễn đàn kết nối cơ hội đầu tư được Viet Capital tổ chức ngày 23 và 24/10 tại TPHCM.

“Con đường tăng trưởng của Việt Nam đã bị ngưng lại trong những năm vừa qua sẽ lại tiếp tục, bởi những đứa trẻ của thời kỳ bùng nổ dân số Việt Nam sắp bước vào lứa tuổi thanh niên. Đây là nguồn khách hàng lớn cho thị trường tiêu dùng”, ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam chia sẻ tại phiên thảo luận Chuyên đề ngành hàng bán lẻ và tiêu dùng thuộc Diễn đàn.

Theo một khảo sát về lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam trong 12 tháng tới do TNS thực hiện, người tiêu dùng vẫn rất quan ngại.

Hơn một nửa dân số Việt Nam đang tiết kiệm ở mức cao hơn so với thời kỳ trước. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nhà kinh doanh bán lẻ. Thu nhập giảm trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại khiến đa số người tiêu dùng “giữ thế phòng thủ”, chỉ chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, y tế, giáo dục…

Niềm tin tiêu dùng của người dân là yếu tố mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

“Đúng là nền kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương, nhưng với tình hình kinh tế khó khăn chung, việc duy trì được một số chỉ số kinh tế vĩ mô như hiện nay không phải là dễ dàng”, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết trong phiên thảo luận Chuyên đề thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Sanjay Kalra, dù nền kinh tế Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn, nhưng thâm hụt ngân sách hay nợ công vẫn đang được giữ ở mức chấp nhận được. Tỷ giá hay giá trị của đồng Việt Nam cũng được đánh giá là đang ổn định. Vấn đề trước mắt của nền kinh tế chính là lạm phát có thể quay trở lại, nếu mức nới lỏng tiền tệ không phù hợp.

Cùng với việc kiểm soát đà tăng của lạm phát thì việc phải tiếp tục duy trì lòng tin ổn định cho đồng Việt Nam trong trung và dài hạn là bài toán đặt ra cho Chính phủ Việt Nam. Giai đoạn này, Việt Nam không nên quá chú trọng đến yếu tố tăng trưởng cao, mà tăng trưởng bền vững mới là mục tiêu cần hướng tới.

Theo ông Marko Breu, Giám đốc điều hành Công ty McKinsey & Company Việt Nam, năng suất lao động cũng chính là lời giải cho bài toán tăng trưởng của Việt Nam. Nếu muốn duy trì tăng trưởng kinh tế cao thì Việt Nam cần tăng năng suất lao động khoảng 5 - 7%.

Tại Diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, vẫn còn cửa cho tăng trưởng kinh tế, vấn đề là có mở đúng không mà thôi.

“Đa số dân số Việt Nam ở nông thôn, nên thị trường tiêu dùng ở đây vẫn còn tiềm năng. Tại sao chúng ta lại cứ đầu tư vào hàng xa xỉ, trong khi 63% dân số Việt Nam vẫn đang sống ở mức bình thường”, ông Ralf Matthaes nhìn nhận.

Các chuyên gia kinh tế tại Diễn đàn cho rằng, cùng với tăng năng suất lao động thì kích thích tiêu dùng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn Tin nhanh Chứng khoán


Sự kiện