"Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều về xếp hạng môi trường kinh doanh"
Việt Nam được xếp hạng 99 trên 185 quốc gia, lĩnh vực được đánh giá có sự cải cách là thành lập doanh nghiệp thông qua cho phép doanh nghiệp được in hóa đơn giá trị gia tăng.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB đánh giá Việt Nam đã thực hiện được nhiều cải cách trong những năm qua để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả báo cáo cũng thể hiện rằng Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để đưa đất nước sánh ngang với các quốc gia trong khu vực.
Báo cáo này cho hay, các quốc gia khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (xếp hạng bình quân ở mức 86) có sự cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn so với Việt Nam.
Với kết quả xếp hạng từ báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét, Việt Nam vẫn nằm ở đầu nửa cuối của bảng xếp hạng môi trường kinh doanh, dưới mức trung bình của thế giới và khu vực (99 trên 185 quốc gia). Như vậy, đã khoảng 10 năm xếp hạng nhưng Việt Nam vẫn không cải thiện được nhiều vị trí của mình.
(8/10 chỉ số tụt hạng so với năm 2012) Nguồn: WB, GAFIN |
Đặc biệt, thành lập doanh nghiệp là một lĩnh vực Việt Nam tập trung cải thiện nhiều nhất thông qua ban hành luật doanh nghiệp 1999 cũng như luật doanh nghiệp 2005, luật đầu tư 2005. Tuy nhiên, những cải thiện nội bộ của Việt Nam cũng chưa đủ để Việt Nam có một vị trí tốt hơn, vị chuyên gia này cho biết.
Năm 2011 - 2012 được xem là năm khó khăn với Việt Nam, trước thách thức bất ổn vĩ mô, Chính phủ đưa ra Nghị quyết 11 về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chúng ta chưa làm được nhiều cho việc này, thể hiện qua môi trường kinh doanh chưa được cải thiện trong báo cáo của WB, bà Phạm Chi Lan phát biểu.
Liên quan đến 10 tiêu chí đánh giá về Việt Nam, có 5 lĩnh vực xếp hạng tương đối khá là cấp phép xây dựng (xếp hạng 28), vay vốn tín dụng (40), thực thi hợp đồng (44), đăng ký tài sản (48) và thương mại quốc tế (74).
Trong 5 lĩnh vực này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết khá nghi ngờ về thứ hạng của cấp phép xây dựng bởi ở Việt Nam đây là vấn đề khá đau đầu cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như nhu cầu của tư nhân khi muốn cải thiện chỗ ở. Cũng chính những khó khăn này giải thích cho những dự án xây dựng khó khăn năm này qua năm khác, bà nhận xét.
Giải thích cho việc tại sao thứ hạng của cấp phép xây dựng tại Việt Nam lại cao như trên, ông Karim O. Belayachi - đồng tác giả của báo cáo môi trường kinh doanh 2013 cho biết, vấn đề cấp phép xây dựng là khá nhạy cảm. Báo cáo này chỉ xem xét xem liệu trong các thủ tục quy định, việc cấp phép xây dựng có quá tốn kém đến mức nhà thầu không muốn xây dựng hoặc cứ xây mà không quan tâm đến giấy phép hay không.
Liên quan đến Vay vốn tín dụng, Việt Nam được xếp thứ 40, bà Phạm Chi Lan nhận xét thứ hạng này cũng không thật sát với tình hình của nền kinh tế, bởi khó khăn về tiếp cận tín dụng hiện là số 1 với nền kinh tế hiện nay do bị ảnh hưởng bởi nợ xấu.
Ngoài ra, về Thực thi hợp đồng (xếp hạng 44), với mức thời gian thực tế để thực thi hợp đồng tới 400 ngày, chi phí chiếm tới 29%, bà Lan cho rằng mất quá nhiều thời gian và chi phí. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, thực thi hợp đồng còn khó khăn hơn khi một loạt doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, rất nhiều doanh nghiệp còn nợ nhau.
Đáng chú ý, thương mại quốc tế của Việt Nam được cải thiện, minh chứng rõ ràng nhất qua xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh các nền kinh tế khác suy giảm. Theo bà Lan, đây là hệ quả của những cải cách trong nước để tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế.
Trong báo cáo, 5 lĩnh vực của Việt Nam có xếp hạng thấp bao gồm thành lập doanh nghiệp (108), tiếp cận điện năng (155), bảo vệ nhà đầu tư (169), nộp thuế (138)), xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (149).
Đặc biệt, về vấn đề nộp thuế thấp, bà Phạm Chi Lan đánh giá, số thời gian nộp thuế (872 giờ mỗi năm) và tổng thuế suất (34,5%) là quá cao, nhưng điều này phản ánh khá đúng với thực tế khi doanh nghiệp phản ánh rằng họ đang phải nộp nhiều hơn mức thuế danh nghĩa 25%.
Về xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bà Lan cho rằng thời gian xử lý lên tới 5 năm và tỷ lệ thu hồi là 13,9 cho thấy phát triển doanh nghiệp khó có thể cao được, dẫn tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế yếu đi và có thể gây ra nạn tham nhũng, lách luật.
Báo cáo của WB cũng đề cập đến mục tiêu của APEC rằng tới năm 2015, sẽ phải đạt mức cải thiện 25% trong các lĩnh vực thuộc bộ chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh. Với Việt Nam, theo bà Lan, 2015 còn là mốc cộng đồng kinh tế Asean được thành lập đầy đủ, Hiệp định thương mại tự do giữa Asean với Trung Quốc (ACFTA) được hình thành, do đó, thách thức đổ lên doanh nghiệp thời điểm đó sẽ rất lớn so với hiện nay.
Như vậy, chỉ còn 2 năm nữa cho Việt Nam để có thể bù đắp được những thiếu hụt trong môi trường kinh doanh và chống lại những thách thức của nền kinh tế, bà Lan nói.
Nguồn Khampha