Việt Nam và những cơ hội đầu tư trong năm 2016
Năm 2015 có thể xem là bản lề cho nền kinh tế Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng GDP cao 6,5-7% đang dần quay trở lại. Thêm vào đó, việc Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới kết thúc đàm phán vào đầu tháng 10 được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tổng thể cho toàn bộ nền kinh tế, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Vậy cơ hội nào sẽ mở ra cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong năm 2016? Họ sẽ phải chuẩn bị ra sao để đón nhận những cơ hội và thách thức mới? Những câu hỏi này đã phần nào được trả lời tại Hội nghị Đầu tư mang chủ đề “Thị trường chứng khoán 2016: Đầu tư vào đâu?” do NCĐT tổ chức vào ngày 23.10.2015 tại TP.HCM.
Hiệu ứng TPP: 4 năm nữa mới thấy
Dĩ nhiên, một trong những điều mong chờ nhất của nhà đầu tư là TPP sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới. Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, cho biết TPP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay, bao trùm khu vực chiếm 40% GDP thế giới và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Điều khác biệt quan trọng nhất so với các hiệp định thương mại tự do khác trong quá khứ là TPP còn ghi nhận phạm vi điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm cả những nội dung mới lần đầu đề cập như chương về doanh nghiệp nhà nước, bản quyền trí tuệ, nội dung số cũng như lĩnh vực thương mại điện tử.
TPP có thể giúp Việt Nam điều chỉnh luồng thương mại để tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Đông Á như Hàn Quốc, Trung Quốc hiện nay. “Các lĩnh vực như dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông thủy hải sản sẽ có cơ hội phát triển xuất khẩu vào các thị trường lớn. Luồng vốn đầu tư của khối ngoại cũng sẽ đổ vào Việt Nam”, ông Khánh nói.
Nhờ TPP, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam còn có hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hợp tác với tập đoàn, doanh nghiệp lớn của thế giới.
Nhưng chớ vội mừng. Theo ông Khánh, việc kết thúc đàm phán chỉ mới là nửa chặng đường. “50% chặng đường còn lại vẫn còn phải chờ quốc hội của các quốc gia thành viên thông qua”, ông Khánh giải thích.
Tổng lãnh sự Canada Richard Bale và Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Ảnh: Bảo Trọng |
Điều đó có nghĩa là vẫn có rủi ro một quốc gia nào đó trong số 12 quốc gia đàm phán TPP cuối cùng sẽ không thể tham gia TPP, khiến hiệu lực của hiệp định này có thể bị ảnh hưởng. Tuy vậy, theo tiết lộ của ông Khánh, các thành viên TPP đã phòng ngừa rủi ro này bằng điều khoản chỉ cần một nhóm các quốc gia TPP thông qua và chiếm một tỉ lệ phần trăm nhất định về GDP trong toàn bộ khối hiện nay, hiệp định này vẫn sẽ có hiệu lực.
Dù vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết thách thức trước mắt là thời gian phê chuẩn của các quốc gia thành viên TPP có thể kéo dài 1-2 năm. Từ thời điểm đó, với lộ trình tham gia mà Việt Nam đã ký kết, có thể những hiệu ứng tích cực của TPP chỉ bắt đầu xuất hiện sau 2 năm kế tiếp.
Trong lúc này, bên cạnh cảm nhận lạc quan về TPP, các doanh nghiệp trong nước nên nỗ lực thay đổi để đón nhận những thách thức cạnh tranh mới, cũng như nắm lấy cơ hội khi tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường lớn như Mỹ, Nhật hay Canada.
“Họ sẽ phải thay đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thay vì đuổi theo chiến lược giá rẻ. Chính phủ cũng phải thay đổi cách thức hoạt động để nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế như cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm thủ tục hành chính...”, ông Khánh phát biểu.
Đương nhiên, bên cạnh các ngành được hưởng lợi, một số lĩnh vực của nông nghiệp nhìn chung sẽ gặp áp lực cạnh tranh rất lớn, do đặc thù của khu vực này khó lòng thay đổi một sớm một chiều. Trong đó, ngành chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn và thịt gà sẽ khó cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Nhưng TPP cho phép Việt Nam một lộ trình giảm thuế, nhờ đó sẽ có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước, thúc đẩy đầu tư quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để nâng dần sức cạnh tranh.
Việt Nam cũng sẽ mở cửa đối với lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, trong đó quy định chính phủ các nước không được phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Tuy nhiên, ông Khánh cho biết các thành viên TPP thỏa thuận với nhau sẽ vẫn dành cho các quốc gia bảo lưu những biện pháp phân biệt đối xử trong một số lĩnh vực nhất định. Hiện chi tiết về biện pháp này chưa thể công bố, nhưng ông cam kết mức độ mở cửa trong TPP sẽ tương đương với mức độ mở cửa hiện hành, sẽ không mang lại cú sốc lớn cho nền kinh tế.
Bảng tăng trưởng GDP của các ngành |
Chính phủ các quốc gia còn cam kết sẽ mở cửa thị trường mua sắm công, cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. “TPP không áp dụng điều khoản này cho các gói thầu thấp hơn một ngưỡng nhất định. Thỏa thuận này trong TPP cũng tương đương với trình độ và khả năng thực thi của Việt Nam”, ông Khánh cho hay.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, TPP có quy định các doanh nghiệp này phải vận hành theo cơ chế thị trường, minh bạch hóa hoạt động. Chính phủ các nước thành viên cũng không được trợ cấp quá mức cho doanh nghiệp nhà nước và gây ra những tác động bất lợi cho đối tác khác.
Ông Khánh cũng cảnh báo hiện có khá nhiều những đánh giá tích cực về tác động của TPP đối với nền kinh tế, nhưng các đánh giá này đều giả định các điều kiện khác sẽ không có những biến động lớn. “Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia mà Việt Nam xuất khẩu đến bị khủng hoảng nợ công, hay khủng khoảng tài chính? Ngoài ra, nếu một quốc gia giảm đồng nội tệ 10% thì dù thuế suất vào thị trường đó giảm 10%, xuất khẩu Việt Nam cũng không hưởng lợi”, ông Khánh kết lại.
Tín dụng khả quan, nợ xấu giảm mạnh
Trở lại với những vấn đề nội tại. Số liệu chính thức của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng trong 9 tháng đầu năm 2015 của toàn hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng tín dụng so với đầu năm cũng tăng đến 10,78%. Trong bối cảnh lạm phát cơ bản thấp, tương đương khoảng 2% (đã loại bỏ các yếu tố giảm của lương thực và năng lượng), rõ ràng tốc độ tăng trưởng này rất đáng quan tâm.
Thật vậy, trong giai đoạn tăng trưởng nóng của tín dụng năm 2007 (hơn 30%), tỉ lệ lạm phát khi đó cũng lên đến 22%. Nghĩa là tăng trưởng tín dụng thực dương của thời kỳ nóng nhất này cũng chỉ xấp xỉ 10%. Có thể nói, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu nóng lên ở thời điểm hiện tại.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, tín dụng trực tiếp cho sản xuất chỉ chiếm 55% tổng lượng tín dụng mới của hệ thống ngân hàng trong 8 tháng đầu năm 2015. Việc cho vay lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng cũng bắt đầu giảm mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright - Ảnh: Linh Phạm |
Nhìn vào cơ cấu tài sản và nợ của hệ thống ngân hàng, có thể nhận ra việc cho vay liên ngân hàng giảm chính là nguyên nhân giải thích tốc độ tăng tài sản toàn hệ thống đã chậm lại. Tổng tài sản toàn hệ thống chỉ tăng 3,7% tính từ đầu năm 2015. Mặc dù tiền gửi cá nhân tăng đến 11,6% trong 8 tháng đầu năm, nhưng sức khỏe tài chính của khu vực doanh nghiệp không được cải thiện đáng kể khi lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng từ khách hàng tổ chức chỉ tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong những năm trước, tốc độ tăng cung tiền ra nền kinh tế Việt Nam trung bình là 16% mỗi năm. Đây là năng lượng để tạo ra những tác động tích cực lên các hoạt động của nền kinh tế. Các ngân hàng, thông qua việc tăng trưởng tín dụng, đã dẫn dắt dòng vốn đi sâu vào từng khu vực kinh tế như công nghiệp khai thác, cơ sở hạ tầng xây dựng, bất động sản, chế biến... Những năm trước, xu hướng lượng cung tiền luôn lớn hơn tăng trưởng tín dụng. Khoảng cách giữa 2 chỉ số này dao động chỉ từ 2-3%, tạo ra thanh khoản tự do. Tuy nhiên, năm 2015 chứng kiến sự đảo chiều, tức là lượng cung tiền bắt đầu nhỏ hơn so với tăng trưởng tín dụng. Việc này sẽ dẫn đến các áp lực lạm phát trong tương lai gần.
Quá trình giải quyết nợ xấu cũng đã ghi nhận những bước tiến mới. Từ khi ra đời, Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) đã mua lại được hơn 200.000 tỉ đồng nợ xấu từ hệ thống ngân hàng. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, VAMC đã mua thêm 4,8% tổng số nợ xấu chính thức còn tồn tại trên hệ thống ngân hàng, tương đương con số 91.000 tỉ đồng. Đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đang đặt mục tiêu giữ tỉ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng dưới 3%.
P/E dự kiến của các cổ phiếu top 50 sẽ ở mức thấp của biên độ dao động gần đây |
Một tín hiệu vui khác là Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực thống nhất con số nợ xấu chính thức và con số giám sát, trên cơ sở tham chiếu hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng CIC kể từ đầu năm 2015. Trong bối cảnh lượng nợ xấu chưa được VAMC xử lý là hơn 140.000 tỉ đồng và việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trong năm 2016, thì ngoài việc gây áp lực lên lạm phát, lãi suất cho vay cũng sẽ khó giảm xuống. Con số nợ xấu ngoại bản và trên mục tài sản khác của toàn hệ thống ngân hàng còn cao cho thấy tình hình kinh doanh của hệ thống này sẽ không có nhiều đột biến trong năm sau.
Liên quan đến GDP, mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2015 là đáng tin cậy, khi các yếu tố cấu thành nên chỉ số này đều tăng, như tổng mức bán lẻ (tăng 9,1%) hay xuất khẩu (tăng 14%). Số liệu tăng trưởng về tổng cầu cho thấy Việt Nam đang quay lại mô hình tăng trưởng cũ, tức là ưu tiên tăng trưởng GDP bằng cách đẩy mạnh tăng lượng cung tiền và sử dụng luồng vốn FDI để tăng cường đầu tư, kích thích tăng trưởng bù thâm hụt ngân sách. Phân tích của ANZ-Roy Morgan cho thấy chỉ số niềm tin người tiêu dùng tại Việt Nam đang đứng ở mức vững mạnh, xếp trên cả Singapore và Ấn Độ. Chỉ số PMI cao cũng cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp chế biến của Việt Nam vượt trội hơn các nước trong khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì tỉ lệ thâm hụt ngân sách thực dao động từ 4,5-5% GDP.
Chứng khoán: Trông vào vốn ngoại
Lại nói đến TPP. Như đã đề cập, hiệp định này hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Còn nhà đầu tư kỳ vọng dưới tác động của TPP, chứng khoán Việt Nam sẽ “cất cánh” nhờ thu hút dòng vốn đầu tư và gia tăng quy mô thị trường.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, TPP sẽ không mang lại những tác động mạnh mẽ như lúc Việt Nam gia nhập WTO. Bởi dòng vốn sẽ có xu hướng đi ra hơn là đổ vào các nước đang phát triển. Ngay dòng vốn đi vào cũng đã có sự thận trọng, rút kinh nghiệm hơn sau những bong bóng xảy ra thời điểm năm 2007. Chính sách điều hành tiền tệ hiện tại theo hướng trung hòa giữa dòng vốn trực tiếp, gián tiếp. Bản thân nhà đầu tư năm 2015 đều đã trưởng thành, khôn ngoan hơn sau những thăng trầm của thị trường giai đoạn 2007-2014. Đặc biệt, phía cơ quan quản lý cũng đã có thêm những công cụ, giải pháp để nâng cao khả năng điều hành, ngăn ngừa làm giá cổ phiếu, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, qua đó góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán.
Vì thế, thay vì phấn khởi, mong chờ một sức nóng từ hiệu ứng TPP, ông Khánh cho rằng nhà đầu tư cần bình tĩnh đánh giá, xem xét cơ hội tăng trưởng có thực sự xuất hiện không, sẽ xuất hiện như thế nào, ở những ngành nào, trong các công ty nào? Nghĩa là hoạt động đầu tư chứng khoán vẫn là quay về cốt lõi, nhìn vào khả năng kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đại diện Bộ Công Thương, những doanh nghiệp tăng trưởng lành mạnh, bền vững thường có lợi nhuận ngang bằng con số bình quân, thay vì những mức tăng đột biến.
Nhìn nhận về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, hơn một năm rưỡi qua, chứng khoán mãi loay hoay trong biên độ hẹp với chỉ số VN-Index dao động quanh mốc 510-650 điểm. Đó là vì khoảng cách giữa tăng trưởng nguồn tiền và tăng trưởng tín dụng đã bị thu hẹp. Vì thế, dòng tiền cho thị trường chứng khoán đã không còn dồi dào như giai đoạn trước đây. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những thời điểm bị bế tắc về thanh khoản và không sao vượt qua ngưỡng chỉ số 650 điểm.
Ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Điều hành, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) phát biểu - Ảnh: Linh Phạm |
Tuy nhiên, theo ông Fiachra Mac Cana, tình hình chứng khoán Việt Nam hiện đã được cải thiện. Sự phục hồi của nền kinh tế theo chu kỳ đã kéo theo nhiều nhóm ngành nghề, trong đó có chứng khoán, thay đổi tích cực. Nhà đầu tư trong nước lạc quan và tin tưởng hơn khi nhìn về triển vọng kinh tế. Riêng với nhà đầu tư nước ngoài, dù giao dịch có phần phức tạp nhưng vẫn đang mua ròng. Làn sóng đầu tư ngoại được HSC đánh giá sẽ là động lực chính, tạo đà cho nhà đầu tư nội đi theo.
Hiện tại, Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để thu hút vốn ngoại. Tiêu biểu là động thái nâng giới hạn tỉ lệ sở hữu (room) nước ngoài ở các công ty, triển khai từng đợt bắt đầu từ tháng 9.2015. Theo ông Fiachra Mac Cana nhận định, điều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là họ sẽ mua gì ở thị trường chứng khoán Việt Nam, và liệu có những hàng hóa chất lượng đủ hấp thụ hàng trăm triệu USD đầu tư không? Sự quan tâm này mở ra xu thế dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục tập trung vào những doanh nghiệp có vốn hóa lớn.
Đi vào những ngành nghề cụ thể, ông Fiachra Mac Cana dự đoán sức hấp dẫn sẽ tập trung vào các ngành tăng trưởng tốt như chế biến, xây dựng. Đặc biệt, việc chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp của nhiều công ty sẽ mở ra những điểm thú vị cho nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng trong thời gian tới.
Lượng mua ròng của khối ngoại so với tổng mua ròng trên sàn HoSE |
Trước mắt, trong nửa đầu năm 2016, đại diện HSC tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vẫn còn gặp một số thách thức và dao động quanh mốc 650 điểm. Từ nửa cuối năm 2016, chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng hơn và nhiều khả năng sẽ vượt qua ngưỡng chỉ số này. HSC đưa ra dự đoán như vậy dựa trên thành công của Việt Nam trong duy trì nền kinh tế ổn định và giá cổ phiếu không đắt, với P/E trung bình thị trường là 11,55.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình từ ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo ông, với GDP năm 2015-2016 ước đạt 6,5-6,8%, thị trường bất động sản đang ấm dần, tăng trưởng tín dụng trên 10% trong 9 tháng đầu năm 2015, vốn FDI tăng trưởng tốt và Việt Nam đã kiểm soát lạm phát, tỉ giá ở mức hợp lý... thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều cơ sở để lạc quan. Việt Nam cũng đã xử lý được các vấn đề như tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo hướng quyết liệt hơn. Đơn cử, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa đã nhanh chóng được đưa lên sàn niêm yết chứ không để lâu như trước. Hay việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước không còn áp mức giá cụ thể mà là đấu giá cạnh tranh. Đặc biệt, Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) cũng đã có lộ trình thoái vốn toàn bộ khỏi các doanh nghiệp không bắt buộc phải nắm giữ như Vinamilk, Nhựa Tiền Phong hay FPT.
Với độ mở của khung pháp lý mà cụ thể là Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, ông Nguyễn Sơn cho rằng chứng khoán Việt Nam đã tiếp cận được với các chuẩn mực thông lệ quốc tế trong quản trị, điều hành công ty, công bố thông tin... Những thay đổi như cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa ở công ty đại chúng, định nghĩa lại khái niệm nhà đầu tư nước ngoài hay thiết kế thêm sản phẩm phái sinh cho thị trường chứng khoán (dựa trên trái phiếu Chính phủ và chỉ số) đều nhằm mục đích khơi thông dòng vốn ngoại. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đang tìm cách nâng hạn thị trường chứng khoán Việt Nam trên bảng MSCI, từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Thay đổi này sẽ có tác dụng gia tăng hạn ngạch về quy mô đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Việc kích cầu, khơi thông dòng vốn ngoại còn được thể hiện qua đầu tư cải thiện hạ tầng cơ sở cho thị trường vốn, áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán và chuẩn mực giao dịch (như rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán xuống T+2, cho phép bán chứng khoán trên dường về, giao dịch trong ngày...). Ông Sơn cho biết từ tháng 11.2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ ban hành 5-6 văn bản mới để hiện thực hóa các thay đổi ở thị trường chứng khoán và dự kiến vận hành thị trường chứng khoán phái sinh vào đầu năm 2017.
Ông Kevin Jung, Giám đốc Điều hành, Prince Street Capital Management khu vực Hàn Quốc, nhấn mạnh vấn đề không phải giá cổ phiếu tăng hay giảm, mà chính các thay đổi về thanh khoản, room cho khối ngoại hay quản trị công ty sẽ có vai trò quyết định đến khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng ra sao. Tương tự, ông Christopher Fitzwilliam-Lay, Giám đốc Điều hành, Marketing, Tập đoàn VinaCapital, cho rằng nhà đầu tư thường không quan tâm đến diễn biến chỉ số VN-Index. Điều họ chú ý là số lượng và chất lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Chắc chắn, doanh nghiệp Việt Nam muốn thu hút dòng vốn ngoại từ thị trường chứng khoán sẽ phải lưu tâm đến các khía cạnh và xu hướng đầu tư này để có những giải pháp tiếp cận phù hợp.
Nguyễn Sơn - Nguyệt Nguyễn - Ngọc Thủy