Thứ Tư | 30/04/2014 07:23

Việt Nam trong mắt thế giới

Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài dù kinh tế còn khó khăn và còn nhiều yếu kém cần được cải thiện.
Việt Nam tỏa sáng

Đó là tựa đề một bài viết của Nhật báo Phố Wall (WSJ) ngày 25-3 khi nói về triển vọng hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2014. Theo WSJ, xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn vượt trội so với các nước trong khu vực trong vòng 12 tháng tính đến tháng 1, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, tại một thời điểm khi các chuyến hàng từ nhiều thành viên của ASEAN đã giảm.

Nguyên nhân, theo WSJ, mức lương thấp ở Việt Nam đã thu hút các nhà sản xuất, những người tìm kiếm nơi thay thế rẻ hơn Trung Quốc, vốn đang chứng kiến chi phí lao động tăng nhanh chóng. Ngoài ra, nhân khẩu học của Việt Nam đầy tiềm năng với tỷ lệ biết chữ tương đối cao, hứa hẹn tạo ra một lực lượng lao động dồi dào và có kỹ năng cho các nhà máy. Và trong khi láng giềng Thái Lan nổ tung với các vụ biểu tình, Việt Nam nổi lên như một ngọn hải đăng của sự ổn định. Nói gì thì nói, các nhà cầm quyền Việt Nam rõ ràng có khả năng giữ vững sự ổn định chính trị-xã hội cho đất nước.

Nhu cầu nội địa ở Việt Nam bị tổn hại trong những năm gần đây khi chính quyền thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát từng tăng trên 20%. Điều đó đã đưa kim ngạch xuất khẩu trở thành một động lực quan trọng của tăng trưởng, trong bối cảnh những vụ đầu tư lớn của Intel, Samsung và những công ty khác đã thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện tử.

Việt Nam đã cơ bản hưởng lợi từ 2 xu hướng trong sản xuất điện tử, nhà kinh tế Devika Mehndiratta của Ngân hàng ANZ nói. Thứ nhất, trong khi nhu cầu từ Hoa Kỳ và châu Âu nhìn chung yếu ớt, doanh số hàng điện tử tăng mạnh ở Trung Quốc. Thứ hai, ngay cả ở Hoa Kỳ, dù nói chung nhập khẩu điện tử yếu ớt trong năm ngoái, nhập khẩu các thiết bị viễn thông vẫn là khu vực tăng trưởng, mà đây là một thế mạnh của Việt Nam.
Đổ xô đến Việt Nam

Tất nhiên, theo WSJ, nhiều thách thức vẫn còn: Việt Nam chỉ mới bắt đầu làm sạch các khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng, một quá trình sẽ mất nhiều năm. Và vì chính phủ đã phải đấu tranh để giữ nền kinh tế không bị chao đảo trong những năm gần đây, sẽ không quá ngạc nhiên nếu lạm phát lại một lần nữa vượt tầm kiểm soát.

Dù vậy, Việt Nam vẫn là đích đến đầy hấp dẫn cho những nhà sản xuất toàn cầu đang tìm kiếm địa chỉ thay thế rẻ hơn cho Trung Quốc. Chỉ số sản xuất PMI của HSBC tại Việt Nam cho thấy sản lượng tăng cao và hàng tồn kho ở mức thấp. Ngân hàng này dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20 % trong năm nay.
Samsung đã đầu tư mạnh vào Việt Nam do tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nước ta.
Samsung đã đầu tư mạnh vào Việt Nam do tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nước ta.

Điều tương tự cũng được Đài tiếng nó Mỹ (VOA) ghi nhận trong một bài viết ngày 15-4. Theo VOA, cùng với việc Trung Quốc cải thiện mức sống, tăng lương, các nhà đầu tư toàn cầu đang muốn tìm nơi sản xuất thay thế. Nhưng Campuchia đang đối mặt với các cuộc đình công/biểu tình lớn của người lao động; Thái Lan cũng điêu đứng vì xung đột chính trị bất tận; trong khi Myanmar vẫn còn kém về cơ sở hạ tầng.

Vì vậy, Việt Nam nổi lên như một lựa chọn sáng giá. Đặc biệt, với việc tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới, Việt Nam càng thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư, nhất là các công ty may mặc. Để hưởng lợi từ việc giảm thuế một khi Việt Nam gia nhập TPP, các công ty nước ngoài đang đổ xô xây dựng nhà máy ở Việt Nam. Xuất khẩu hàng may mặc đã tăng trưởng tới 20% trong quý I năm nay.

TTCK hấp dẫn

Tạp chí Forbes nổi tiếng với các bảng xếp hạng tỷ phú ngày 25-2 đã có bài viết về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. "TTCK của Việt Nam nằm trong số những thị trường dẫn đầu thế giới trong năm qua" - Frobes viết. Theo đó, trong tháng 1 chỉ số VN Index tăng 10,3%, 1 năm tính đến ngày 20-2, VN Index tăng 13,1% và giao dịch với mức PE 14,2 lần. Theo ước tính của Forbes, dòng vốn ngoại đổ vào TTCK Việt Nam trong năm qua đạt 108 triệu USD. Tạp chí này cho rằng những yếu tố tạo ra sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam chính là một môi trường kinh tế ổn định với các biện pháp kiềm chế lạm phát, tỷ giá tốt, chính trị cực kỳ ổn định. "Điều này đã kéo dài 24-36 tháng qua" - Forbes trích lời một nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, thị trường Việt Nam hấp dẫn còn vì lượng vốn FDI đổ vào đây. Và điều này thật "lạ lùng" vì thậm chí trong khi các nước như Ấn Độ, Indonesia chứng kiến hiện tượng tháo vốn khi Hoa Kỳ thu hẹp chương trình QE3, thì Việt Nam lại không. Vì vậy, có thể thấy rằng các nhà đầu tư rất kỳ vọng vào Việt Nam trong dài hạn. Chẳng hạn, các công ty như Samsung đã mở thêm nhà máy ở Việt Nam. Hiện Samsung sản xuất khoảng 25% điện thoại thông minh ở Việt Nam và dự kiến tăng lên 40% trong vòng 12-18 tháng tới. Các dòng vốn FDI đạt trên 20 tỷ USD vào năm ngoái.

Cần cải thiện

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu cần khắc phục. WSJ cho rằng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang ít nhiều khiến các nhà đầu tư e ngại, chưa tới 1/3 ngân hàng Việt Nam có nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam hiện có 37 ngân hàng tư nhân, nhưng chỉ có 9 ngân hàng đã niêm yết và chỉ 10 ngân hàng có nhà đầu tư nước ngoài. WSJ cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài không muốn đầu tư vào ngành ngân hàng Việt Nam vì không nhìn thấy triển vọng tăng trưởng của ngành. Trong đó, nợ xấu là rào cản lớn nhất.

Theo WSJ, dù Ngân hàng Nhà nước nói nợ xấu của các ngân hàng đã giảm còn 7% tổng nợ từ mức 9% cuối năm ngoái, nhưng con số thực tế có thể tồi tệ hơn nhiều, vì minh bạch thông tin ở ngành tài chính-ngân hàng Việt Nam vẫn rất yếu kém.

Trong khi đó, báo cáo Vietnam Development Report 2014 của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến cáo Việt Nam cần phải gia tăng đào tạo kỹ năng cho người lao động để chuẩn bị lực lượng cho một nền kinh tế hiện đại.

"Việt Nam hiện nay cần tập trung vào đào tạo lực lượng lao động hiệu quả hơn để đáp ứng nhu cầu mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, công nghiệp" - báo cáo của WB viết. Theo WB, có 3 bước để phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động Việt Nam.

Thứ nhất, thúc đẩy nhiệt tình học hỏi từ khi còn bé. Thứ hai, xây dựng nền tảng nhận thức và hành vi trong giáo dục phổ thông. Thứ ba, xây dựng kỹ năng kỹ thuật nghề nghiệp có liên quan thông qua hệ thống kết nối giữa người sử dụng lao động, sinh viên và các trường đại học, trường dạy nghề nhiều hơn.

Nguồn Sài Gòn Đầu Tư


Sự kiện