Chi phí nhân công sản xuất tại Việt Nam khoảng 3 USD mỗi giờ, chưa bằng một nửa Trung Quốc (6,5 USD). Ảnh: Lê Toàn
Việt Nam tìm chỗ đứng trong "Tứ giác kim cương"
VỊ THẾ ĐẶC BIỆT
Việt Nam đang có được vị thế hết sức đặc biệt có thể nâng cao thế mạnh là sự lựa chọn sản xuất thay thế hàng đầu khi nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.
Việt Nam đã là “quán quân” thương mại của thế giới, tỉ suất thương mại chiếm khoảng 200% GDP. Trong khi đó, chỉ tiêu này tại Trung Quốc là 38% và bình quân thế giới là khoảng 60%.
Với cấp độ thương mại đã rất cao, Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn: gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu thay vì đơn thuần tăng khối lượng giao dịch. Nói cách khác, GDP trên đầu người tương đối thấp nhưng cường độ giao thương cao trong quá khứ cho thấy khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam không nhận được gì nhiều.
Việt Nam hiện ở vị trí thuận lợi để tái khẳng định vai trò là đối tác tạo ra giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những việc cần xem xét bao gồm đào tạo lực lượng lao động bán lành nghề, hỗ trợ hình thành các cụm sản xuất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và buộc tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị chặt chẽ hơn. Cơ hội này cũng có thể thúc đẩy các cải cách kinh tế quan trọng, cho phép Việt Nam không chỉ tạo ra nhiều giá trị hơn trong chuỗi cung ứng, mà còn trở nên cạnh tranh hơn trong nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chính với các nước Mỹ - Nhật - Ấn - Úc trong “tứ giác kim cương” (QUAD), chiếm tỉ lệ 16-25% tổng nhập khẩu (cần lưu ý rằng 30% hàng nhập khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc). Điều này khiến Mỹ và các nước thành viên trong nhóm bị lệ thuộc kinh tế và làm giảm tầm ảnh hưởng về mặt chính trị và ngoại giao của họ.
Việt Nam là ứng cử viên thích hợp giúp giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Việt Nam đang được các nhà đầu tư đánh giá tốt khi có lực lượng lao động bán lành nghề dồi dào, thiết lập được nhiều quan hệ và hiệp định thương mại, có nền kinh tế linh hoạt có thể đáp ứng nhanh với tốc độ đổi mới sản phẩm như hiện nay.
Việt Nam có những đặc điểm tương tự Trung Quốc, đáp ứng được yêu cầu chính từ các nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy việc di dời sang Việt Nam có thể diễn ra nhanh chóng. Có lẽ, điều quan trọng hơn cả động lực kinh tế của Việt Nam chính là sự đồng điệu của tất cả các quốc gia thành viên về mục tiêu chính sách thương mại.
Giải quyết việc mất cân bằng thương mại với Trung Quốc đã nằm trong kế hoạch bấy lâu nay. Đại dịch COVID-19 khiến các vấn đề nảy sinh từ việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tập trung trở nên rõ nét, đặt ra yêu cầu cấp bách phải hành động nhanh để xây dựng các chuỗi cung ứng có tính thích ứng cao hơn.
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần tập trung thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tăng tính cạnh tranh và tham gia ngay vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, Việt Nam nên tập trung thu hút dòng vốn FDI có khả năng tạo ra hiệu ứng lan tỏa quan trọng trong các ngành công nghiệp được chọn và vốn hóa dựa trên thế mạnh sẵn có để có thể hướng đến mục tiêu trở thành cụm công nghiệp có năng lực cạnh tranh trên toàn cầu.
Có rất nhiều cụm công nghiệp đã được thành lập và đang “đơm hoa kết trái” ở Việt Nam, từ công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp và công nghiệp ô tô cho đến sản xuất hàng may mặc, giày dép. Chính phủ nên tập trung xem xét các cụm công nghiệp, hiểu được tính cạnh tranh hiện tại và tương lai của các cụm này.
Ảnh: Quý Hòa |
THOÁT KHỎI BÓNG QUỐC GIA GIA CÔNG
Chắc chắn có một số lý do khách quan để nghĩ rằng Việt Nam sẽ hút nhiều công ty sản xuất từ Trung Quốc. Chi phí nhân công sản xuất khoảng 3 USD mỗi giờ, chưa bằng một nửa Trung Quốc (6,5 USD). Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong sản xuất khi muốn vượt qua Trung Quốc. Một trong số đó là lực lượng lao động của Trung Quốc nhiều hơn 14 lần so với Việt Nam. Những nét văn hóa như giá trị trong gia đình và đạo đức làm việc cũng khác. Ví dụ, công nhân Việt Nam thích làm việc ở nhà máy gần nhà, trong khi công nhân Trung Quốc sẽ đi xa gia đình cả ngàn cây số để làm việc trong một thời gian dài.
Chính đặc điểm dịch chuyển của lực lượng lao động nói trên đã lý giải được sự tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Châu Giang và sự gia tăng sản xuất tại và quanh các thành phố như Thâm Quyến hoặc Quảng Châu. Nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến tuyển dụng khoảng 300.000-450.000 công nhân. Thật khó để tưởng tượng điều này ở Việt Nam khi lực lượng lao động rất ít dịch chuyển.
Việt Nam cần thoát khỏi cái bóng là một quốc gia chuyên gia công. Dù trước đây Việt Nam đi chào mời các nhà đầu tư nước ngoài, việc các công ty sản xuất cần lượng lớn nhân công hiện đang tìm kiếm địa điểm có cấu trúc chi phí cạnh tranh hơn thực ra lại là một mối nguy.
Tuy nhiên, với việc các nhà máy tự động hóa ngày càng trở nên hấp dẫn thì chi phí lao động không còn là yếu tố đáng kể, mà chính địa điểm và khả năng huy động lao động có tay nghề mới đóng vai trò lớn trong quy trình đưa ra quyết định của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là lý do tại sao tạo dựng vai trò giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu rất quan trọng với Việt Nam.
Bớt nhấn mạnh vào yếu tố nhân công giá rẻ, Việt Nam đang giữ đúng quân bài cần có để tăng trưởng kinh tế xã hội về lâu dài. Chắc chắn rằng, việc nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động - tiền đề cơ bản để nắm bắt nhiều giá trị hơn tạo ra từ chuỗi cung ứng toàn cầu - phải đi liền với những cải cách cơ chế. Việc cải cách chính sách cần sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các bên liên quan, chính quyền, khu vực tư nhân và cả người lao động.
(Mộng Thuý dịch)
Nguồn Mộng Thuý dịch