Việt Nam thuộc top 10 quốc gia chi phối châu Á
Theo báo cáo “Sự chuyển đổi của hệ thống tài chính châu Á” (Caged Tiger: The Transformation of the Asian Financial System) mới công bố của Ngân hàng ANZ, Việt Nam là một trong 10 quốc gia châu Á có tầm ảnh hưởng mạnh về kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020 dự đoán đạt 6,2%, đứng vị trí thứ 4 trong khu vực châu Á. Dự đoán, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 3 trong 10 năm tiếp theo với tốc độ tăng trưởng 5,3% và vị trí thứ 2 trong 10 năm tiếp theo nữa với tốc độ 4,6%, chỉ xếp sau Philippines và Ấn Độ.
Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của nhóm 10 quốc gia châu Á qua các giai đoạn (Ảnh: ANZ) |
ANZ đánh giá, 10 nền kinh tế này sẽ thống trị cả châu Á và nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, tổng GDP của 10 nền kinh tế này đạt gần 17.000 tỷ USD, chiếm 87% tổng GDP khu vực châu Á, với số dân gần 3.300 tỷ dân, chiếm 70% dân số châu Á tính hết năm 2012.
Đến năm 2050, ANZ dự đoán, 10 nền kinh tế này sẽ chiếm tới hơn 90% tổng GDP và hơn 75% dân số khu vực. 10 quốc gia này cũng sẽ tăng tỷ trọng GDP lên chiếm 50% GDP toàn cầu và chiếm gần 50 % dân số thuộc tầng lớp trung lưu trên thế giới.
Châu Á đang trên đà trở thành khu vực kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm khoảng một nửa GDP của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050. ANZ cũng dự báo hệ thống tài chính châu Á có thể gấp bốn lần quy mô hiện tại của khu vực này vào năm 2030, và gấp hai lần hệ thống tài chính Mỹ.
10 nước châu Á kể trên sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình 4,4% trong thập kỷ tới với Trung Quốc dẫn đầu cả về quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng. Toàn châu Á tăng trưởng bình quân 3,9%, cao hơn so với của thế giới.
Nếu châu Á có thể cải cách hệ thống tài chính thành công, trong vòng 15 năm tới, quy mô của thị trường trái phiếu châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) sẽ tăng trưởng gấp 6 lần so với hiện nay, tương đương với thị trường nợ của Mỹ.
Tuy nhiên, ANZ cũng nhận định, trong trường hợp xấu, một số nền kinh tế vốn có tốc độ tăng trưởng cao sẽ không thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình do thất bại trong cải cách. Điều này gắn liền với tiến trình tự do hóa thị trường tài chính trong thập kỷ tới.
Ngoài ra, những rủi ro trong hệ thống tài chính vẫn chưa được giải quyết triệt để, căng thẳng chính trị có thể phát sinh, thương mại và tự do hóa tài chính có thể trì hoãn và tuột mất cơ hội, giống như nhiều trường hợp từng xảy ra trong quá khứ. Trong trường hợp này, tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn châu Á có thể chỉ đạt 3,4% và châu Á đóng góp 31% sản lượng kinh tế thế giới./.
Nguồn vov.vn