Việt Nam: “Thiên đường đầu tư” của Singapore
Jardine Cycle & Carriage (Jardine C&C) đang có các khoản đầu tư vào Thaco Trường Hải (77 triệu USD), Vinamilk (1,2 tỉ USD) và REE với khoản lãi gần 80 triệu USD từ thị trường Việt Nam trong năm 2017. Một nhà đầu tư Singapore khác, CapitaLand, cũng gặt hái thành công tại Việt Nam với các dự án như The Vista, Vista Verde, PARCSpring... Đối với các nhà đầu tư như Jardine C&C hay CapitaLand, Việt Nam đang trở thành “thiên đường đầu tư” tại khu vực.
Một nghiên cứu từ Ngân hàng HSBC chỉ ra rằng tổng đầu tư từ các doanh nghiệp tại Singapore vào thị trường ASEAN đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tăng, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính của dòng đầu tư này. Thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng và môi trường đầu tư cải thiện của Việt Nam là những yếu tố chính dẫn đến các kế hoạch mở rộng đầu tư này của doanh nghiệp Singapore.
Đòn bẩy tiêu dùng
Khảo sát do Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore thực hiện theo ủy quyền của HSBC tìm hiểu về nhận định của 1.036 doanh nghiệp tại Singapore về kế hoạch của họ đối với việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài. 86% doanh nghiệp được khảo sát là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với doanh thu hằng năm ở mức 100 triệu USD hoặc có ít hơn 200 nhân viên.
Nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ và môi trường đầu tư cải thiện là những yếu tố chính thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam. Có thể nói, thị trường tiêu dùng Việt Nam đang trải qua những thay đổi tích cực mang tính thời đại - thương mại điện tử và kênh tiêu dùng hiện đại là những khía cạnh hấp dẫn nhất. Theo ước tính của VETICA (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số), doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đạt 5 tỉ USD năm 2016 và được dự phóng tăng trưởng đạt 10 tỉ USD vào năm 2020. Các ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) phân phối qua kênh hiện đại chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục. Báo cáo Market Pulse quý I/2018 của Nielsen chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG qua kênh hiện đại đạt 10,7% so với cùng kỳ năm 2017 - thời kỳ được ghi nhận là đỉnh điểm của mức tiêu thụ hàng tiêu dùng.
Theo báo cáo khảo sát của HSBC, 76% doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng họ đã hoạt động tại thị trường Việt Nam (là tỉ lệ cao chỉ đứng sau Malaysia 87%, Indonesia 81% và Thái Lan 80%) và 30% kỳ vọng mở rộng hoạt động hơn nữa tại thị trường này trong 2 năm tới (chỉ sau Indonesia và Malaysia). Việt Nam nổi lên như điểm đến thu hút đối với các doanh nghiệp Singapore có kỳ vọng mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế.
Hoạt động đầu tư và thương mại tăng cao từ Singapore là tín hiệu tốt đối với Việt Nam do Singapore vốn đã là một trong những thị trường mang lại nguồn vốn đầu tư cao nhất vào thị trường Việt Nam. Vào năm 2016, Singapore mang lại nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cao thứ 3, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt mức 2,41 tỉ USD. Vào năm 2017, theo Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam, Singapore đầu tư hơn 41 tỉ đô-la Singapore vào Việt Nam, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Nhật.
Đầu tư từ Singapore vào Việt Nam đến từ các doanh nghiệp bản địa cũng như từ nhiều công ty quốc tế. Trong số 37.400 doanh nghiệp quốc tế tại Singapore, có 7.000 công ty là công ty đa quốc gia và 60% có hoạt động trong khu vực.
Nhận định về sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, ông Douglas Foo, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Singapore, cho biết: “Việt Nam đang dần trở thành điểm đến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại châu Á. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore, nhất là đối với các ngành như điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất lương thực, cung ứng các dịch vụ phụ trợ như tự động hóa và logistics”.
Tính đến thời điểm hiện tại, đầu tư mạng lưới hạ tầng và bất động sản đang là những lĩnh vực thu hút dòng vốn FDI và doanh nghiệp Singapore. Cụ thể hơn, nổi bật nhất là liên doanh hợp tác Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Tính đến thời điểm hiện tại, VSIP đã thu hút hơn 9 tỉ USD đầu tư của 630 doanh nghiệp đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 37 tỉ USD.
Những dự án bất động sản có sự hợp tác của doanh nghiệp Singapore phải kể đến Empire City (Keppel Land và đối tác), Riviera Cove (Keppel Land), D1mension (CapitaLand), The Vista (CapitaLand), SC VivoCity (Mapletree), One Verandah (Mapletree)...
Bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc và Hồng Kông là những điểm đến đầu tư hàng đầu của dòng tiền FDI từ Singapore. Theo báo cáo của cơ quan thống kế Singapore, vốn OFDI (dòng vốn Singapore đầu tư quốc tế) năm 2016 đạt hơn 123 tỉ đô-la Singapore vào Trung Quốc và 53 tỉ đô-la Singapore vào Hồng Kông.
Theo kết quả báo cáo, 81% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng đầu tư ở Việt Nam đánh giá cao nhu cầu khách hàng tiềm năng, 75% nhấn mạnh tổng thể môi trường đầu tư và 63% đề cao chi phí hoạt động kinh doanh.
Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam, nhận định: “Trong khi các doanh nghiệp Singapore đánh giá cao đà tăng trưởng của thị trường tiêu dùng tại Việt Nam, báo cáo cho thấy nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội tiếp tục mở rộng hoạt động tại thị trường này trước những tiềm năng kinh tế có được từ sự thay đổi nhân khẩu học”.
Cơ hội mở rộng
Đã có 16 thỏa thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Singapore. Theo đó, những thỏa thuận hợp tác này sẽ góp phần giúp Singapore giữ vững vị thế là nhà đầu tư lớn số 3 trên tổng số 126 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam bằng hàng loạt các dự án đầu tư mới hoặc thỏa thuận hợp tác đầu tư. Sóng đầu tư từ Singapore chưa dừng lại trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, mở cửa các lĩnh vực đầu tư cho nước ngoài.
Quy mô đầu tư trung bình của nhà đầu tư Singapore ở Việt Nam khoảng 23,6 triệu USD mỗi dự án, lớn hơn nhiều so với mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam hiện nay là khoảng 14 triệu USD/dự án. Theo đó, những lĩnh vực mà nhà đầu tư Singapore chủ yếu tập trung vào là các lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo, bất động sản, giáo dục, giải trí...
Hầu hết các doanh nghiệp SME có trụ sở tại Singapore đang thâm nhập hoặc mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam đều đang hoặc sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam. Khảo sát cho thấy hơn 63% doanh nghiệp được khảo sát có một nhà phân phối hoặc một đối tác liên doanh tại Việt Nam.
Ông Winfield Wong cho biết thêm, các SME tại Singapore có thể có những đóng góp đáng kể vào kinh tế Việt Nam. Họ đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động ra ngoài phạm vi thị trường trong nước và có thể tận dụng được lợi ích từ các hoạt động giao thương trong khu vực, điều mà trước đây được xem là thế mạnh của các doanh nghiệp lớn