Việt Nam thất thoát 5,75 triệu tấn thực phẩm/năm
Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu 2018, do Carrier tổ chức ở TPHCM sẽ bắt đầu vào ngày mai, 7/3 và kéo dài trong 2 ngày. Hội nghị quy tụ hơn 100 chuyên gia để tìm các giải pháp bền vững trong quản trị cung ứng lạnh, nhằm giảm thất thoát, lãng phí nông sản. Đây là một trong những chương trình hành động toàn cầu vì cộng đồng của Carrier- nhà sản xuất các sản phẩm làm nóng, lạnh, điều hòa không khí nổi tiếng thế giới, trực thuộc UTC Climate, Controls & Security trong tập đoàn United Technologies Corp.
Tính từ 2014, đây là lần thứ 4 Hội nghị diễn ra. Tuy nhiên đây lại là lần đầu tiên Hội nghị tập trung thảo luận và tìm giải pháp cụ thể cho một thị trường địa phương làViệt Nam.
Với nền tảng sản xuất nông nghiệp và mức tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong lãng phí thực phẩm, nông sản cũng như khó khăn trong việc quản trị logistic cho chuỗi cung ứng lạnh-mát. Vì thế, trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, đại diện các nhân tố trên chuỗi cung ứng thực phẩm, từ các học giả, các nhà khoa học đến cơ quan nhà nước liên quan, doanh nghiệp kinh tế, sẽ cùng nhau phân tích nguyên nhân cốt lõi dẫn đến lãng phí thực phẩm tại Việt Nam, cùng tìm ra và đánh giá các cơ hội, giải pháp quản tri cung ứng lạnh-mát để khắc phục việc thất thoát nông sản, lập và phân chia công việc trong kế hoạch hành động để cùng nhau giảm lượng thất thoát hiện tại.
Các giải pháp khắc phục này sẽ đóng vai trò như giải pháp mẫu, để nhân rộng cho các nước khác tại Đông Nam Á cùng học tập và thực hiện. Mục tiêu của Hội nghị là làm sao đến năm 2020 “giảm được 10% thất thoát – lãng phí thực phẩm” trong cộng đồng kinh tế APEC, như đã từng cam kết từ Hội nghị APEC 2013 và cũng được nhắc lại trong Phiên làm việc do APEC tổ chức vào 2017. Mục tiêu này cũng nhất quán với mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hiệp Quốc trong giảm lãng phí, thất thoát thực phẩm.
Theo ông John Mandyck, Phó chủ tịch về Phát triển Bền vững của UTC, chúng ta hiện đã sản xuất đủ thực phẩm nuôi sống 10 tỉ người nhưng theo Tổ chức Nông Lương Thế giới, mỗi ngày chúng ta vẫn chứng kiến 25.000 người chết vì đói và 1/3 lượng thực phẩm làm ra bị lãng phí hay thất thoát hàng năm.
Tổ chức Nông Lương Thế giới chia sẻ: 25% lượng thực phẩm hiện đang bị lãng phí hay thất thoát có thể nuôi sống 870 triệu người đang đói trên thế giới. Lãng phí thực phẩm cũng là nguyên nhân thứ 3 trên toàn cầu đóng góp mức khí thải nhiều nhất, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc.
Ngày nay, trên toàn thế giới, chỉ có 10% lượng thực phẩm – nông sản tươi sống được bảo quản lạnh-mát.Vì thế, lãng phí thực phẩm đã xảy ra. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng thành công và hiệu quả nhất ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh – mát trên chuỗi, các nước cần phải hiểu nhu cầu thực tế tại từng địa phương, thị trường.
Theo một báo cáo 2011 của Tổng Cục Môi Trường Việt Nam, chuỗi thực phẩm tại Viẹt Nam dự kiến thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương ứng cho 60% lượng chất thải rắn trên cả nước. Thị trường logistic cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam khá phân mảnh, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa-nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực, và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm.
Hiện tượng “gãy, đứt đoạn” trong cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm khi kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp. Trong vòng 10 năm qua, năng lực phục vụ trong cung ứng lạnh – mát tại Việt Nam tăng 4 lần và các cơ sở hạ tầng trong cung ứng lạnh – mát thường hoạt động với công suất đạt trên 90%.